“Ngân hàng yếu kém phải bị loại thải”
(Dân trí) - Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội, tân Chủ tịch UB Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng nền tài chính của Việt Nam vốn được coi là yếu, nên cần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo quy luật thị trường.
Không tái cơ cấu thì tụt hậu
Các giải pháp cho nền kinh tế sáu tháng cuối năm của Chính phủ cũng như kiến nghị của UB Kinh tế Quốc hội khóa XII đều nói đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Theo ông thì thế nào?
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay có nhiều lo ngại về một sự đổ vỡ dây chuyền nếu một ngân hàng đổ vỡ. Nhưng quy luật thị trường phải được tôn trọng, nghĩ là đến một lúc nào đó mọi định chế, tổ chức, cá nhân đều phải theo quy luật “anh” nào tốt thì tồn tại, phát triển còn “anh” nào yếu phải bị đào thải. Còn trước mắt, cần phải hỗ trợ họ (các ngân hàng - PV) một cách phù hợp, đồng thời quản lý, kiểm soát để hạn chế hậu quả xảy ra nếu có đổ vỡ sau này.
Việc tái cơ cấu sẽ gặp khó khăn gì?
Tái cơ cấu bất kỳ đối tượng nào cũng khó khăn, nhưng với định chế tài chính thì càng khó vì tính phức tạp và nhạy cảm như trên. Cần nhắc lại là không thể nóng vội, cần có lộ trình, kế hoạch dài hạn để đạt được các tiêu chí như quốc tế. Nếu không tính khả thi sẽ thấp.
Một vấn đề đang gây tranh luận là việc dùng biện pháp hành chính hay biện pháp kinh tế, chính sách trong việc kiểm soát lãi suất. Theo ông thì nên thế nào?
Khi bàn sửa đổi Luật NHNN, Luật các tổ chức tín dụng đã có nhiều quan điểm. Có quan điểm cho rằng các công cụ, chính sách của NHNN phải tôn trọng quy luật thị trường, nhưng cũng có ý kiến nói rằng trong điều kiện hiện nay chưa thể thực hiện được nên phải có sự quản lý của nhà nước, sử dụng công cụ hành chính. Tôi cho rằng hiện nay vẫn cần biện pháp hành chính, nhưng về lâu về dài cần áp dụng các biện pháp chính sách và kinh tế.
Chính phủ yêu cầu hạ lãi suất, nhưng việc thực hiện trong nửa năm qua là rất khó khăn. Nguyên nhân vì sao?
Không chỉ chính phủ, mà rất nhiều người cũng mong muốn giảm lãi suất để nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nhưng trước hết, chính sách tiền tệ phải thực hiện mục tiêu chống lạm phát. Lạm phát cao thì phải nâng lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Để hạ lãi suất, trước hết kinh tế vĩ mô phải ổn định, ngoài ra phải tăng cường giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng. Chính các ngân hàng cũng phải quản lý chi phí, không để giá vốn cao lên kéo lãi suất tăng theo.
Không để nợ công ảnh hưởng đến phát triển bền vững
Nợ công của Mỹ hiện đang rất “nóng” và đã có giả thiết nói rằng nền kinh tế Mỹ có nguy cơ sụp đổ. Điều này ảnh hưởng gì đến chúng ta?
Nợ công của Mỹ là vấn đề rất lớn và sẽ có tác động đến kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng như các nền kinh tế hội nhập khác đều sẽ chịu ảnh hưởng. Nguồn dự trữ ngoại hối của nhà nước, của các ngân hàng thương mại bằng USD của chúng ta khá lớn, chúng ta sử dụng nó vào định giá và thanh toán lớn nên có thể bị ảnh hưởng mạnh. Nhưng theo tôi, vấn đề nợ công của Mỹ sẽ sớm giải quyết được.
Chúng ta có cần đặt ra kịch bản cho tình huống xấu?
Theo tôi nên có. Nhưng tôi không trực tiếp tham gia nên không rõ các cơ quan khác nhau như NHNN, Bộ Tài chính có đặt ra hay không.
Nợ công của Việt Nam dự kiến trên 58% GDP năm 2011, đó có phải là tín hiệu cần được điều chỉnh?
Vấn đề nợ công thế giới không liên quan đến việc phải điều chỉnh chỉ tiêu chi tiêu nợ công của nước ta, nhưng đó đúng là vấn đề cần quan tâm, là vấn đề dài hạn. Theo tôi hiện nay mức nợ công chứ đến mức lo ngại, nhưng về dài hạn cần kiểm soát để tránh nợ công tăng trần, ảnh hướng đến phát triển bền vững.
M.Hoàng - H.Kỹ (lược ghi)