Đe doạ nợ công: Không chỉ 1 Vinashin!

(Dân trí) - Với hoạt động đầu tư thiếu hiệu quả, các DNNN rất dễ rơi vào thua lỗ như Vinashin, Vinalines, Sông Đà... Trong khi đó, các đơn vị này lại được ưu ái về tín dụng và ngân sách từ Chính phủ.

Uỷ ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố Báo cáo nghiên cứu: “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai”, trong đó đi sâu phân tích nội dung quan trọng về mối quan hệ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nợ công.

Theo Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 thì nợ của DNNN không được hạch toán và không thuộc phạm vi quản lý của nợ công Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều DNNN làm ăn thua lỗ và đứng trên bờ vực phá sản, đe doạ nghiêm trọng tới an ninh tài chính quốc gia, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, nợ của DNNN cần phải được phân tích sâu, bất kể chúng có được Chính phủ bảo lãnh hay không.

Đe doạ nợ công: Không chỉ 1 Vinashin!
Không chỉ Vinashin, hàng loạt "ông lớn" Nhà nước đang xếp hàng xin Nhà nước hỗ trợ trả nợ nước ngoài.

Theo đó, rủi ro tiềm ẩn của nợ DNNN đối với nợ công hiện nay ở Việt Nam thể hiện trên hai mối quan hệ: Một là các khoản vay nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh và hai là các khoản nợ ngân hàng phát triển, nợ các ngân hàng thương mại (NHTM), hoặc nợ chéo nhau của các tập đoàn, tổng công ty DNNN lớn rơi vào thua lỗ nhưng không thể để phá sản.

Theo Bản tin nợ nước ngoài số 7 được Bộ Tài chính công bố vào tháng 7/2011, dư nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN trong năm 2010 là 4.642,74 triệu USD, tương đương với 14,3% tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam. So với năm 2006, con số này đã tăng đáng kể, từ mức 1031,18 triệu USD, tức tương đương 6,6% tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam.

Với trường hợp hai, tuy không thuộc diện bảo lãnh nhưng Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi những tập đoàn, tổng công ty này khi làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ đúng hạn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khu vực DNNN và trong trường hợp DNNN khó “được phép” phá sản thì gánh nặng nợ của khu vực này sẽ dồn lên nợ công, Uỷ ban Kinh tế phân tích.

Con nợ đầm đìa của các ngân hàng

Theo đánh giá của Uỷ ban Kinh tế, mặc dù trên bình diện pháp lý, tất cả các DNNN hoạt động bình đẳng như nhau và như các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác, nhưng trên thực tế một số DNNN lớn đang được hưởng những lợi thế đáng kể trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng thương mại, tín dụng nhà nước và các nguồn lực khác.

Số liệu nêu tại Đề án tái cấu trúc khu vực DNNN của Bộ Tài chính năm 2012 cho thấy, dư nợ của 85/96 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin là 86.000 tỉ đồng) đến cuối 2010 lên tới trên 1 triệu tỉ đồng, bằng 1,65 lần vốn chủ sở hữu.

Còn theo Đề án tái cơ cấu DNNN (2012), nợ tín dụng của riêng 11 tập đoàn kinh tế nhà nước vào khoảng 218,7 nghìn tỉ đồng, tương đương với 8,76% tổng nợ tín dụng của toàn bộ ngành ngân hàng, tức khoảng 52,66% tổng dư nợ tín dụng của cả khu vực DNNN vào tháng 9/2011.

Trước đó, trong thời kỳ đầu của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hầu hết tín dụng ngân hàng đều dành cho các DNNN, ở mức trên 50% trong suốt những năm cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, tỉ lệ này đã giảm dần và hiện chỉ ở mức xấp xỉ 30%.

Do được hưởng những ưu đãi về tín dụng, các DNNN có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn các doanh nghiệp khu vực khác. Tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của DNNN có xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức 2,52 lần vào năm 2009, cao hơn nhiều so với mức 1,78 lần của khu vực tư nhân và 1,39 lần của khu vực vốn FDI. Các DNNN trung ương thậm chí có tỉ lệ này cao hơn, lên tới 3,53 lần.

Không trả nổi nợ nước ngoài, xếp hàng xin Nhà nước hỗ trợ

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ các NHTM, DNNN còn thường xuyên nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ bất cứ khi nào gặp khó khăn. Khá nhiều công ty nhà nước lâm vào tình trạng phá sản được Nhà nước hỗ trợ tối đa với các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ...

Phân tích trường hợp Vinashin, báo cáo cho thấy, dư nợ đã lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng, trong đó, nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng nhưng không thể tự cân đối dòng tiền. Tuy nhiên, với các hình thức hỗ trợ như chuyển nợ (cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác), giãn nợ (bảo lãnh của Nhà nước trước các ngân hàng) và bổ sung vốn (tăng vốn điều lệ từ 9.000 tỉ đồng lên 14.655 tỉ đồng), Vinashin vẫn đang tiếp tục tồn tại.

Không chỉ vậy, năm 2010, Bộ Tài chính lại nhận được đề xuất từ Bộ Xây dựng về hỗ trợ một số công ty thuộc Tập đoàn Sông Đà khó khăn không trả được nợ nước ngoài. Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành không trả được nợ gốc và lãi hơn 141 tỉ và còn thiếu 607 tỉ đồng để trả nợ giai đoạn 2011-2015. Tương tự là tình trạng không trả được nợ vay nước ngoài của Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng và nhiều DNNN khác đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ vì đây là các khoản vay do Nhà nước bảo lãnh v.v…

Uỷ ban Kinh tế chỉ rõ, cũng chính việc luôn được nhận ngân sách “mềm” từ Chính phủ nên khu vực DNNN mới trở thành mối đe doạ đối với nợ công. Khi các DNNN lâm vào khó khăn, các khoản nợ trong nước của các doanh nghiệp này thường được Chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ.

Tất cả các hình thức ngân sách mềm này cuối cùng đều sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng và với việc ngân sách nhà nước liên tục thâm hụt. Để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực DNNN, Nhà nước sẽ buộc phải phát hành trái phiếu. Như vậy, nợ công của quốc gia sẽ tăng.

Với việc đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả khu vực DNNN rất dễ rơi vào hoàn cảnh thua lỗ như Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Sông Đà… như trong thời gian vừa qua. Một khi kinh doanh nghiệp thua lỗ, các doanh nghiệp này sẽ không thể trả nợ đúng hạn được cho các NHTM, cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và cho các chủ nợ nước ngoài. Do hầu hết các DNNN đều thuộc diện “quá lớn” nên các khoản nợ xấu này cuối cùng sẽ phải do NSNN gánh trả - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo.

Theo Đề án tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính năm 2012, tính đến tháng 10/2011, cả nước có 1.309 DNNN (vốn 100% của Nhà nước) tập trung ở 11 tập đoàn, 11 tổng công ty đặc biệt và 74 tổng công ty và một số doanh nghiệp độc lập. Ngoài ra, Việt Nam còn có khoảng 1.900 doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước trên 50%.

Trong số 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có 701 doanh nghiệp do địa phương quản lý, trong đó có 236 doanh nghiệp công ích; 465 doanh nghiệp kinh doanh; 355 doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành (trong đó: 193 doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, hoạt động công ích, 162 doanh nghiệp kinh doanh); 253 doanh nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty (trong đó: 23 doanh nghiệp công ích, 230 doanh nghiệp kinh doanh).

Trong cơ cấu khu vực doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm 31/12/2010, các DNNN chỉ chiếm tỉ trọng không đáng kể về số lượng doanh nghiệp, nhưng nắm giữ 32,6% nguồn vốn kinh doanh, 35,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn. Còn tính đến cuối 2009 thì khối này tạo ra 37,8% lợi nhuận trước thuế, đóng góp 37,4% nộp thuế và nộp ngân sách, tạo việc làm cho 19,5% số lao động.


Bích Diệp