ĐBSCL: Tàu trọng tải lớn khắc khoải chờ lối vào

(Dân trí) - ĐBSCL dù có hệ thống cảng đầy khắp các tỉnh thành nhưng chỉ hoạt động ở tầm nhỏ lẻ. Lâu nay, hàng hóa xuất nhập khẩu theo đường biển đều phải trung chuyển qua TPHCM rồi vận chuyển bằng đường bộ lên xuống ĐBSCL.

Nghịch lý tồn tại quá lâu này khiến hàng hóa phát sinh chi phí vận chuyển nên tăng giá thành, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của toàn khu vực. Dù đã có cửa ngõ cho vận tải biển nhưng lâu nay, tàu trọng tải lớn vẫn “khắc khoải” chờ một lối vào ĐBSCL và không biết chờ đến bao giờ.

Tàu 5.000 tấn không vào được

Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp cho tàu trọng tải lớn vào luồng Định An, giai đọan 2008 - 2015”, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đưa ra con số thống kê: khoảng 70% lượng hàng hóa của ĐBSCL hiện vẫn phải trung chuyển lên các cảng khu vực TPHCM làm phát sinh chi phí vận chuyển, mất lợi thế cạnh tranh của nhiều loại hàng hóa.

UBND TP Cần Thơ vừa giới thiệu đề án nâng cấp mở rộng tuyến luồng cho tàu trọng tải lớn ra vào sông Hậu qua cửa Định An theo hình thức BOT. Khi hoàn thành, cửa Định An có khả năng cho tàu trọng tải 20.000 tấn ra vào.

 

Tổng vốn đầu tư đề án trên 245 tỷ đồng. Nếu được Chính phủ phê duyệt, dự án sẽ bắt đầu vào tháng 3/2009.

Năm 2007, nhóm 13 cảng ở ĐBSCL đã tiếp nhận 2.415 lượt tàu với 4.470.756 tấn hàng hóa. Khối lượng này mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Nguyên nhân là do cửa Định An (Trà Vinh), cửa ngõ nối hệ thống cảng của 13 tỉnh thành ĐBSCL với Biển Đông liên tục bị bồi lắng phù sa nên bị cạn và tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên không vào được.

Theo thông báo của cơ quan an toàn hàng hải, độ sâu “cốt” luồng hiện nay tại khu vực cửa Định An chỉ đạt - 2,5m.Trong khi đó, từ năm 1997 đến nay, việc đầu tư nạo vét cửa Định An là chưa đáp ứng được yêu cầu lưu thông phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Cần Thơ cho biết: Tổng kinh phí nạo vét luồng Định An từ năm 1997 đến nay khoảng 70 tỷ đồng. Cá biệt, năm 2007, kinh phí nạo vét chỉ có 2 tỷ đồng, khối lượng nạo vét chỉ có 53.000m3 trong khi việc bồi lắng ngày một nghiêm trọng.

Trong khi đó, sản lượng hàng hoá thông qua các cảng trên sông hậu liên tục gia tăng, năm 2003 có 1.496 lượt tàu với hơn 2 triệu tấn; năm 2007 có 2.415 lượt tàu với gần 4,5 triệu tấn hàng hoá. 4 tháng đầu năm 2008 có 1037 tàu với 1,8 triệu tấn…

Việc nạo vét những năm qua mang lại hiệu quả không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thời gian bồi lắng trở lại sau nạo vét nhanh, có thể do các do lượng phù sa bồi lắng, phương thức nạo vét, khối lượng đất cát nạo vét, vị trí đổ đất chưa phù hợp, kinh phí nạo vét có giới hạn.

Chờ đợi đồng nghĩa với thiệt hại

Hiện ĐBSCL đã có dự án đào kinh Quan Chánh Bố chiều dài 40km tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh) do Chính phủ phê duyệt có tổng mức đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là 3.148,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự tính tháng 10/2008 mới khởi công và phải mất khoảng 6 - 8 năm mới có thể hoàn thành.

Ông Kháng cho rằng với thời gian lâu như vậy, với nhu cầu hiện tại thì việc nạo vét cửa Định An trong giai đoạn hiện nay và duy tu để sử dụng lâu dài là rất cần thiết. Mặt khác nếu luồng tàu qua kênh tắt Quan Chánh Bố hoàn thành thì cũng không đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng của khu vực (theo dự án, chiều rộng kênh tắt Quan Chánh Bố chỉ có 85m, đáp ứng luồng tàu 1 chiều trong khi lưu lượng tàu bè và hàng hoá rất lớn).

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đặt vấn đề: “Phải mất ít nhất 8 năm nữa mới đưa vào sử dụng được kênh Quan Chánh Bố. Trong thời gian này hệ thống đường bộ phát triển còn chậm chạp, quá tải mà không nạo vét luồng Định An thì vận tải ở ĐBSCL sẽ như thế nào?.

Ông Dũng cho rằng, hiện nay, bình quân một tấn hàng hoá từ ĐBSCL trung chuyển lên TPHCM, doanh nghiệp mất ít nhất từ 7 - 10 USD. Trong 5 năm tới, chỉ lấy khiêm tốn là 5 triệu tấn hàng hoá/năm thì số tiền trung chuyển sẽ lên đến 175 - 250 triệu USD…

Theo Trung tướng Lưu Phước Lượng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, việc chờ đợi đồng nghĩa với vận tải biển ĐBSCL mất cơ hội phát triển. Và 8 năm trong thời điểm hội nhập sôi động này, thì mức độ thua thiệt không thể tính hết được.

Tiếp tục nạo vét luồng Định An, đó là ý kiến của các nhà quản lý, kinh tế và khoa học kiến nghị với Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải sau “Giải pháp cho tàu trọng tải lớn vào luồng Định An, giai đoạn 2008 - 2015”. Trước mắt, hoạt động thông thương cho tàu trọng tải lớn vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa.

Nhật Trường