ĐBSCL: Rầy nâu hoành hành lúa thu đông

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây, nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu khiến rầy di trú sang vụ lúa thu đông đang đẻ nhánh, làm đòng khiến cho người nông dân như đang ngồi phải lửa.

Theo ghi nhận của chúng tôi số lượng rầy phát tán vô đèn (bẫy đèn) chiếm số lượng khá lớn. Trong khi đó giá thuốc Bảo vệ thực nhiều nơi đang rất nóng.

Tại Hậu Giang có khoảng 3.084 hecta lúa bị nhiễm, tập trung tại hai địa bàn huyện Long Mỹ (2.211 hecta) và Thị xã Ngã Bảy (565 hecta). Do vụ hè thu đang bắt đầu thu hoạch cho nên số lượng rầy di trú sang nơi khác với mật độ rất lớn, khoảng 100.000 con/bẫy đèn.

Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, rầy có khả năng lây lan trong vụ thu đông, tập trung ở 2 huyện Châu Thành A và Vị Thuỷ vì hai huyện này có diện tích lúa non khá nhiều.

Ông Trần Anh Tuấn, Cán bộ kỹ thuật chi cục BVTV Hậu Giang cho biết, đối với lúa mới xạ từ 7 - 10 ngày sẽ yêu cầu bà con cho nước vào ruộng để chấn rầy. Lúa đẻ nhánh, làm đòng thì cho người dân theo dõi khi phát hiện rầy từ 1 - 3 tuổi thì phun thuốc tiêu diệt.

Hiện nay lượng thuốc dự trữ của tỉnh đã hết. Nếu diện tích lúa bị nhiễm rầy có lây lan nhanh, Chi cục BVTV sẽ đề nghị xin kinh phí mua thuốc để xuất ra cho người dân trừ rầy. Theo ông Tuấn giá thuốc BVTV tại Hậu Giang thì vẫn còn ở mức trung bình, chưa có dấu hiệu tăng giá như một số tỉnh khác.

Tại Vĩnh Long có khoảng 2.443 hecta lúa bị rầy nâu tấn công. Hiện mật độ rầy nơi cao nhất khoảng 1.500 - 3.000con/m2, nơi thấp nhất 800 - 1.000con/m2.

Theo bà Nguyễn Thị Bé, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh thì sẽ khuyến cáo người dân nhổ bỏ những cây lúa bệnh, sau đó sẽ cấp thuốc cho bà con trị rầy nếu rầy bùng phát mạnh trong thời gian tới.

“Còn tình hình giá thuốc trên địa bàn tỉnh thì ngành chức năng vẫn đang quản lý chặt chẽ nên các hộ kinh doanh thuốc không dám tự ý tăng giá” - bà Bé cho biết thêm.

Tại An Giang có khoảng 5.018 hecta lúa bị nhiễm rầy nâu, tập trung ở các huyện Tân Châu, Thoại Sơn, Châu Phú, Tịnh Biên… với mật độ từ 500 - 1.500 con/m2. Do đang trong vụ thu hoạch lú hè thu nên rầy nâu đã phát tán đến nhiều nơi và tập trung tại các ruộng có lúa non.

Tại huyện Chợ Mới do có diện tích lúa xuống sớm để phòng tránh lũ vì không đường nước, không đê bao, nên rầy có cánh cũng đã di trú xuống với mật độ trên dưới 1.000 con/m2.

Theo phòng dự báo Chi cục BVTV An Giang mật độ rầy phát tán vô đèn chiếm khá lớn khoảng từ 125.000 - 195.000 con/bẫy đèn. Trong thời gian rầy sinh nở Chi cục BVTV cũng đã cho phun thuốc chống rầy bộc phát và đã cho tiến hành phun thuốc đối với rầy trưởng thành. Hiện nay cũng đã hạn chế được phần nào sự tái phát của rầy.

Một số tỉnh khác, thì theo tin từ các Chi cục BVTV, tình trạng rầy nâu cũng đang diễn biến phức tạp. Ngành chức năng đang đề ra nhiều biện pháp nhằm giúp bà con chống đỡ với nạn dịch này. Hiện nay cũng đã đạt được một số hiệu quả nhất định tuy nhiên vẫn còn nguy cơ bùng phát do rầy nâu phát tán nhanh.

Huỳnh Hải