ĐBSCL: Giá lúa “bừng tỉnh” trong hạn – mặn!
(Dân trí) - Sáng 27/3, nông dân tại Thốt Nốt, Cở Đỏ, thành phố Cần Thơ bán lúa tại nhà cho thương lái với giá 6.200 đồng – 6.300 đồng/kg. Trong một tháng qua, nông dân ĐBSCL gánh chịu nhiều thiệt hại do hạn – mặn gây ra. Việc giá lúa “bừng tỉnh” trong hạn – mặn xem như một phần an ủi cho nông dân!
“Nông dân ở đây vui lắm, đầu vụ giá lúa có 4.200 đồng/kg giờ đã nhảy lên qua ngưỡng 6.000 đồng/kg, tăng gần 1/3 giá lúa đầu vụ. Nông dân cũng bù đắp được chi phí bơm tưới cho nắng hạn và có lời thêm chút ít” - anh Nguyễn Văn Thanh, nông dân huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho biết.
Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người nông dân khi giá lúa tăng cao
Giá lúa trên 6.000 đồng/kg như hiện nay đã cao hơn 1.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 2 và cao hơn đến 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 1-2016. Đây là mức giá cao nhất tại đây từ đầu vụ tới nay. Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.500 đồng – 5.600 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.700 đồng – 5.800 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.950 đồng – 8.050 đồng/kg.
Giá lúa gạo tăng mạnh làm nông dân vui, với hy vọng bù đắp phần nào do hạn mặn gây ra. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng. Vì một vài doanh nghiệp đã trót ký hợp đồng xuất khẩu sớm (khi đó giá lúa còn thấp), nay phải thu mua nguyên liệu để thực hiện với giá khá cao.
Có doanh nghiệp so sánh: Hiện giá gạo 5% tấm ở Việt Nam giá 380-390 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ 360 USD/tấn nên khó bán cho thị trường thế giới. Thậm chí, một vài doanh nghiệp còn mong chính quyền góp phần tuyên truyền nông dân bán lúa. Vì hạn - mặn có gây thiệt hại cho hàng trăm ngàn héc-ta lúa nhưng không đến mức thiếu nguồn cung.
Nông dân bán lúa tại ruộng cho thương lái
Trong 2 tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL đã tăng đột biến. Có nhiều cách lý giải khác nhau về sự tăng giá này. Trong đó, có yếu tố thuận lợi xuất khẩu gạo tăng trong 3 tháng đầu năm, một số nơi bị thiệt hại do hạn – mặn…
Nhưng cũng có người cho rằng, tình trạng đầu cơ cục bộ cũng tạo ra sự khan hiếm nguồn lúa – gạo trên thị trường. Tuy nhiên, hiện ĐBSCL đã vào giai đoạn thu hoạch cuối vụ, lúa hàng hóa còn không nhiều trong dân. Nhưng cánh thương lái lúa vẫn bủa ra khắp nơi để thu mua lúa. Điều này, cho thấy thị trường giao dịch lúa – gạo ở ĐBSCL đã chuyển biến theo hướng có lợi cho nông dân, trong bối cảnh hạn mặn gây thiệt hại gần 10% diện tích lúa đông xuân (160.000 ha/1,6 triệu ha).
Theo dự báo, diện tích lúa hè – thu có thể giảm thêm nhiều do ảnh hưởng hạn mặn tới đây. Trong khi, các thông tin về số lượng gạo bán buôn qua thị trường Trung Quốc ngày càng gia tăng. Việt Nam những năm gần đây xuất khẩu và bán buôn ra nước ngoài dao động từ 6-8 triệu tấn gạo/năm, chiếm khoảng 20% giao dịch gạo trên thế giới. Nhìn tổng thể, các thông tin về thiệt hại nghiêm trọng của sản xuất lúa ở ĐBSCL sẽ có tác động đến giá gạo và thị trường trên thế giới.
Phạm Tâm – Tường Vy