Đẩy mạnh sản xuất cà phê hòa tan: Từng bước nâng cao giá trị hạt cà phê Việt
Vài năm trở lại đây, với nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, cà phê hòa tan, một dòng sản phẩm cà phê chế biến sâu của Việt Nam đã và đang từng bước mở rộng thị phần ở thị trường trong nước và thế giới, góp phần nâng cao giá trị cho hạt cà phê Việt.
Nỗ lực nâng cao giá trị cà phê Việt
Trong suốt nhiều năm, mặc dù là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt hơn 3 tỷ USD, song gần 90% lượng cà phê của Việt Nam được các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng cà phê thô chưa qua chế biến, không có thương hiệu và có giá trị thấp. Vài năm trở lại đây, bên cạnh xuất khẩu cà phê nhân, nhiều thương hiệu sản xuất và kinh doanh cà phê có tên tuổi đã đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến hiện đại, kiểm soát chặt chẽ quy trình, sản xuất ra các sản phẩm cà phê hòa tan chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị cho cà phê Việt.
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, hiện nước ta có khoảng 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, với công suất hơn 75 nghìn tấn sản phẩm/năm. Đơn cử như Nestlé. Để đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan, từ năm 2013, Nestlé Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy Nestlé Trị An, đây là nhà máy cà phê có quy mô lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với số vốn đầu tư 230 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm Nescafé cho thị trường trong nước đồng thời sản xuất hạt cà phê khử caffeine để xuất khẩu.
Ông Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc nhà máy Nestlé Đồng Nai, cho biết: “Đối với dòng sản phẩm Nescafé, Nestlé đã chuẩn hóa quy trình sản xuất một cách toàn diện từ nguồn nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, phân phối và bán lẻ theo tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và quy trình quản lý chất lượng của Nestlé Thụy Sỹ. Nestlé đẩy mạnh sản xuất cà phê chế biến sâu, đặc biệt là cà phê hòa tan với mục tiêu góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê của Việt Nam.”
Với nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, từ một nước chỉ được biết đến là quốc gia xuất khẩu cà phê nguyên liệu, Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 5 trong số những nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn trên thế giới, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Điều này cũng cho thấy, không chỉ gia tăng về sản lượng, giá trị của hạt cà phê Việt cũng đang ngày càng tăng.
Đầy tiềm năng phát triển
Theo báo cáo của hãng phân tích và dự báo thông tin kinh tế Focus Economics, nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan trên thế giới hiện đang không ngừng tăng, nhất là ở các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ... Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam, quốc gia có nguồn cà phê Robusta (nguyên liệu thường dùng để làm cà phê hòa tan) vào loại nhất nhì thế giới.
Không chỉ không ngừng gia tăng thị phần ở thị trường quốc tế, ở trong nước, cà phê hòa tan cũng ngày càng được ưa chuộng do dễ sử dụng, tiện lợi, phù hợp với nhịp sống hiện đại. Ở mảng cà phê hòa tan, nhiều năm nay các nhãn hàng của Nestlé, Vinacafe, Trung Nguyên… đã chia nhau chiếm lĩnh hơn 60% thị phần trong nước, phần còn lại chia đều cho các thương hiệu khác như: Highlands, Thu Hà, An Thái, Mê Trang… Những năm gần đây, sự phát triển của các hàng quán cà phê, hệ thống cung ứng cà phê, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, tiêu thụ cà phê trong nước tăng nhanh (với 2/3 là cà phê bột rang xay, 1/3 là cà phê hòa tan).
Một nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) chỉ ra rằng bình quân một người Việt Nam tiêu thụ chỉ khoảng 0,5 kg cà phê/năm. Lượng tiêu thụ cà phê của người Việt vẫn còn thấp chỉ bằng ¼ các nước trong khu vực và con số này rất thấp so với các nước sản xuất lớn như Brazil (5-6kg/người/năm), hoặc các nước tiêu thụ cà phê nhiều như các nước Bắc Âu (10kg/người/năm). Do đó thị trường cà phê trong nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng, trong đó, nhu cầu sử dụng cà phê hòa tan dự báo sẽ còn tiếp tục tăng do lợi thế dân số trẻ, những người có nhịp sống bận rộn, ưa thích sự tiện lợi.
Cà phê hòa tan vẫn đầy tiềm năng phát triển khi Việt Nam có sản lượng cà phê Robusta vào loại bậc nhất thế giới. (Ảnh: Vùng nguyên liệu cà phê được trồng theo chương trình Nescafé Plan.)
Ngoài nhu cầu thị trường, sản lượng cà phê hòa tan dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi định hướng của Nhà nước cũng đang hướng tới đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị của hạt cà phê. Bộ NN-PTNT đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020, có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê phục vụ trực tiếp cho tiêu dùng (cà phê rang xay, cà phê hòa tan). Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Chính sách Chiến Lược Phát triển nông thôn, cho biết: “Sản lượng và xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn tăng trưởng trong nhiều năm qua tuy nhiên giá trị sản phẩm chưa cao. Do vậy hướng phát triển sắp tới của cà phê Việt là không tăng diện tích trồng, tập trung phát triển chế biến, đổi mới công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh thay đổi cơ cấu mặt hàng cà phê chế biến theo hướng tăng sản phẩm chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm”.
Phương Anh