Đẩy lùi hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp phải đóng vai trò là lực đẩy
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái “sống khoẻ” hiện nay, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP nhấn mạnh: “Doanh nghiệp phải đóng vai trò là lực đẩy, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc phát hiện hàng giả, hàng nhái của chính mình trên thị trường”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) từng cho biết: Ở Việt Nam, nạn hàng giả, hàng nhái rất phổ biến, cả ở thành thị và nông thôn. Mặt hàng làm giả, làm nhái hầu như phủ khắp tất cả các loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp; từ những mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, quần áo, giầy dép, hàng điện tử, nội thất… đến những mặt hàng ăn uống, chăm sóc sức khỏe như thuốc, bánh kẹo, rượu bia…; thậm chí giống cây trồng, phân bón, hộ chiếu, con dấu… cũng bị làm giả.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, trong tháng 4/2015, đơn vị này đã phát hiện 41 vụ vi phạm, thu giữ gần 30.000 sản phẩm đối với mặt hàng mỹ phẩm có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật, Pháp. Những sản phẩm này không có hóa đơn chứng từ, bày bán tại các cửa hàng trên phố và sạp mỹ phẩm ở các trung tâm thương mại.
Thực tế cho thấy, sản phẩm nào có chất lượng tốt, uy tín và ăn khách thì các đối tượng mới tính toán cách thức làm giả, làm nhái bởi có như vậy mới dễ dàng tiêu thụ nhanh chóng trên thị trường mà không mất các chi phí về truyền thông.
Các sản phẩm làm giả, làm nhái đều là những sản phẩm vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, quan trọng đây đa phần là các sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp.
Để có thể đẩy lùi được tình trạng này, cần đến sự đấu tranh của các doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để giúp các doanh nghiệp đòi lại công bằng và bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, nhiều thương hiệu lớn uy tín đã đành “sống chung với lũ” vì tâm lý ngại đấu tranh, kiện tụng. Lại có không ít doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình, tạo ra kẽ hở lớn để kẻ xấu lợi dụng và xâm phạm.
Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nhái, cố tình gây hiểu lầm cho khách hàng bằng cách làm mẫu mã, tên sản phẩm gần giống với sản phẩm thật. Có một thực tế là có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả không mặn mà với cuộc chiến này và thiếu sự phối hợp tích cực với lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm này. Số doanh nghiệp quyết tâm đấu tranh với vấn nạn này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tiêu biểu trong số các doanh nghiệp kiên quyết bài trừ nạn hàng giả, hàng nhái phải kể tới trường hợp Công ty Nam Dược - đơn vị sản xuất và Công ty Dược phẩm Ích Nhân, đơn vị phân phối sản phẩm Viên uống Bảo Xuân đã bảo vệ thành công thương hiệu Bảo Xuân trước tình trạng bị Cơ sở sản xuất mỹ phẩn Ngân Anh làm nhái sản phẩm Viên uống Bảo Xuân dưới dạng Kem Bảo Xuân và tung ra thị trường trong khi thực tế Nam Dược không sản xuất dạng này.
Cụ thể, sản phẩm kem nhái của Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Ngân Anh cũng sử dụng tên gọi Bảo Xuân và slogan, mẫu mã, hình ảnh, bao bì bắt chước Viên uống Bảo Xuân. Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng luật sở hữu trí tuệ do nhãn hiệu Bảo Xuân đã được Công ty Ích Nhân đăng ký bảo hộ.
Nhờ việc đã đăng ký bảo hộ cho nhãn hàng Bảo Xuân ngay khi ra đời, cộng với việc theo đuổi đến cùng vụ kiện hàng nhái này, Công ty Nam Dược và Ích Nhân đã bảo vệ thành công bản quyền thương hiệu Bảo Xuân. Kết quả giám định của Viện Sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ đã công nhận sản phẩm Kem Bảo Xuân lưu hành trên thị trường của Cơ sở sản xuất mỹ phẩm Ngân Anh là vi phạm luật sở hữu trí tuệ và gây ảnh hưởng đến thương hiệu Bảo Xuân do Công ty Nam Dược sản xuất, Công ty Ích Nhân phân phối. Sản phẩm Kem Bảo Xuân đã bị rút giấy phép lưu hành trên thị trường.
Ngoài ra, nhận thấy còn có tình trạng lưu hành các sản phẩm nhái này trên thị trường gây thiệt hại cho người tiêu dùng nên các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với doanh nghiệp để thu giữ toàn bộ các sản phẩm nhái này. Sáng 8/5, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện lượng lớn mỹ phẩm giả vi phạm sở hữu trí tuệ tại Trung tâm phân phối dược Hapulico thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Rõ ràng, sự quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự tích cực tự bảo vệ mình của thương hiệu trong công tác bài trừ các sản phẩm nhái, sản phẩm “ăn theo” đã giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Nếu như doanh nghiệp nào cũng quyết liệt và mạnh mẽ như doanh nghiệp trên, hẳn người tiêu dùng sẽ không còn lo lắng về vấn nạn này.
PV