Đầu tư tại Việt Nam vẫn có thể sinh lời

(Dân trí) - Với hơn 1 tỷ USD trao đổi thương mại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hàn Quốc, chỉ đứng sau Singapore. Gần 1/2 trong số 1.600 doanh nghiệp Hàn tin rằng đầu tư vào Việt Nam vẫn có thể sinh lời.

Đầu tư tại Việt Nam vẫn có thể sinh lời - 1
Lợi thế về giá nhân công thấp của Việt Nam hấp dẫn
các nhà đầu Hàn Quốc (ảnh: VnEconomy).
 
Lương lao động Việt Nam đang tăng
 
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Im Hong - Jae cho biết: Hàn Quốc hiện có 2.058 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng đầu về số lượng dự án đầu tư nước ngoài.
 
Hơn 1.600 doanh nghiệp của nước này (chiếm 21% tổng số doanh nghiệp nước ngoài) có mặt tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho 350.000 lao động.
 
Theo một kết quả khảo sát của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội, trong số 1.600 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, chỉ có 3% cho rằng sẽ thu hẹp phạm vi kinh doanh, 97% giữ mức đầu tư hiện tại; trong đó, 1/2 số doanh nghiệp tin rằng doanh thu sẽ tăng, bất chấp khó khăn hiện tại của nền kinh tế Việt Nam.
 
Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp Hàn lo ngại nhất hiện nay là “mức lương của người lao động Việt Nam đang tăng, kéo theo mức tăng của chi phí đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng phàn nàn về "tính mơ hồ của một số chính sách, luật lệ" ở Việt Nam”, Tham tán Thương mại Eun Ho Lee cho hay.
 
Còn theo nhận định của Đại sứ Im Hong - Jae, với tình hình khó khăn chung của kinh tế toàn cầu hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài có khuynh hướng thận trọng hơn với các hoạt động đầu tư tại nước ngoài.
 
Nhưng “Hàn Quốc sẽ tích cực quảng bá nhiều hơn nữa tiềm năng của Việt Nam về trung và dài hạn. Nếu Việt Nam tạo điều kiện để đón nhận đầu tư nước ngoài, nhất định sẽ thu được kết quả tốt đẹp", vị đại diện này nhấn mạnh.
 
Chủ động xua tan tin đồn
 
Tại cuộc gặp gỡ với báo giới Việt Nam ngày 20/1, Đại sứ Im Hong - Jae và các cộng sự đã chủ động cho biết những tin đồn về khủng hoảng tài chính tại Hàn Quốc và tin đồn Hàn Quốc nợ nước ngoài nhiều là không có cơ sở.
 
Đại sứ nói: Cuộc khủng hoảng hiện tại là cuộc khủng hoảng trong thanh toán mang tính quốc tế, là vấn đề đề đối ngoại, trái ngược với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và vấn đề của nội bộ (dự trữ ngoại tệ thiếu, những khoản nợ khổng lồ của các doanh nghiệp).
 
Với dự trữ ngoại tệ lên tới 201,2 tỷ USD, nợ nước ngoài chiếm 163%, tỷ lệ nợ xấu trong ngành tài chính - ngân hàng chiếm 0,81% và doanh nghiệp chiếm 106,5%; trong khi vào năm 1997, các con số tương ứng là: 8,9 tỷ USD - 1.957% - 6% - 424,6%.
 
“Không có chuyện Hàn Quốc nợ nước ngoài nhiều, tính đến tháng 9/2008, trong 425, 8 tỷ USD nợ nước ngoài của Hàn Quốc, có 26% là nợ không phải trả (tương đương 111,2 tỷ USD).
 
Số nợ nước ngoài trong thực tế là 308,6 tỷ USD. Với tổng số nợ nước ngoài trên, Hàn Quốc vẫn là nước cho vay với mức 86,1 tỷ USD.
 
Tính đến tháng 12/2008, Hàn Quốc đứng thứ 6 thế giới về dự trữ ngoại tệ, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Đài Loan và Ấn Độ. Hàn Quốc có đủ khả năng để hoàn trả các khoản vay từ nước ngoài”, đại sứ Im Hong - Jae khẳng định.
 
Đánh giá nền kinh tế Hàn Quốc năm 2008, theo Đại sứ Im Hong - Jae, khủng hoảng kinh tế quốc tế kéo theo mức tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm qua tụt xuống mức 3,7% (giảm 1,3% so với năm trước đó), thặng dư thương mại đánh dấu mức thâm hụt âm 130 tỷ USD (do giá dầu và giá nguyên vật liệu tăng), thặng dư trong thanh toán quốc tế âm 6 tỷ USD, tỷ lệ tăng chỉ số giá tiêu dùng là 4,7%, tỷ lệ thất nghiệp luôn ở trong khoảng 3% còn số người được tạo việc làm lại có chiều hướng giảm.
 
Năm 2007, Hàn Quốc tạo việc làm cho 280.000 người, đến năm 2008, số lượng này giảm xuống còn 150.000 người.
 
“Biến khủng hoảng kinh tế quốc tế thành cơ hội cho bước tiến mới”, được xem là câu khẩu hiệu quyết tâm của Chính phủ Hàn Quốc, với chìa khoá là những cuộc cải cách, cải tổ cơ cấu doanh nghiệp.
 
“Ở bất cứ đâu, bất cứ đất nước nào, mọi cuộc cải tổ đều đòi hỏi phải hi sinh nhưng nếu không thay đổi thì không thể tồn tại. Thành công sẽ đến từ việc cải cách triệt để những tồn tại, yếu kém của mình, trên cơ sở biến nguy cơ thành cơ hội. Một trong những cải tổ quan trọng mà Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành trong năm nay là sẽ giảm nguồn lực của các cơ quan trong Chính phủ”, Đại sứ Im Hong - Jae.
 
Theo dự đoán của Đại sứ quán Hàn Quốc, Hàn Quốc chính thức phục hồi nền kinh tế từ nửa cuối năm 2009 và đạt tăng trưởng kinh tế chuẩn bắt đầu từ năm 2010.
 
Trong năm 2009, chính sách kinh tế của Hàn Quốc tập trung vào 3 điểm chính: đẩy mạnh các biện pháp vượt qua những khó khăn kinh tế, chuẩn bị cho tương lai và nâng cao năng lực tái tạo nền kinh tế.
 
Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng các chính sách nhằm tăng cường hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, ổn định thị trường tài chính và ngoại hối, thực hiện tài chính ưu tiên, duy trì các mức lao động, tạo việc làm mới...
 
Nguyễn Hiền