“Đầu tư quá nhiều vào ATM là sai về chiến lược”

Các ngân hàng thông qua Hội thẻ đã một lần nữa khơi lên việc thu phí rút tiền từ máy ATM, với phí rút tiền ngoại mạng tăng từ 3.300đ lên 5.500đ/giao dịch và đề xuất NHNN cho phép thu phí rút tiền nội mạng. Điều này dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Chúng tôi đã có trao đổi với ông Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TPHCM - với tư cách là một chuyên gia độc lập quanh vấn đề này. Các ngân hàng cho rằng hiện nay việc đầu tư máy ATM đã khiến nhiều ngân hàng lỗ nên họ có kiến nghị thu phí rút tiền nội mạng. Ý kiến của ông thế nào? Đặc thù của ngân hàng là có nhiều sản phẩm bán chéo nên có thể lỗ ở sản phẩm này nhưng lại lời ở sản phẩm khác, ví dụ chấp nhận lỗ tiền đầu tư máy ATM nhưng bù lại ngân hàng có được một khoản tiền gửi giá rẻ với lãi suất chỉ khoảng 3%/năm trong bối cảnh lãi suất huy động hiện nay đã lên đến 20%, đó là một nguồn thu lợi của ngân hàng. Nhìn ở góc độ khác, việc thu phí hoặc nâng phí rút tiền ngoại mạng có thể nói là để tạo thói quen cho người tiêu dùng, quen với việc anh có được sự thuận tiện thì anh phải đồng ý chi tiền. Nhưng vấn đề trong lập luận này đó là mức phí anh đưa ra có tương ứng với trị giá dịch vụ không? Hiện nay sự thực là người ta tức chứ không phải người ta tiếc số tiền bỏ ra đóng phí. Số tiền này không đáng gì với người thu nhập trung bình, trong khi người nghèo lâu lâu mới rút một lần thì cũng chẳng đáng bao nhiêu. Vấn đề ở đây là chất lượng dịch vụ không tương ứng với số tiền khi mà hiện nay các hiện tượng như đút thẻ vào thì bị nuốt luôn; đi đường xa, nắng, đến nơi thì phần mềm báo lỗi, không thì hư luôn phần cứng; máy hết tiền, trừ tiền trong tài khoản mà không nhả tiền và thủ tục được nhận lại tiền thì vô cùng rắc rối… xảy ra với tần suất rất lớn... Người ta tức là tức chỗ đó, trong khi chất lượng dịch vụ không được nâng lên mà lại tính đến chuyện nâng phí là thế nào! Đó là chưa kể đến trong những trường hợp cấp bách cần tiền nhanh thì người tiêu dùng không chỉ phải trả phí rút tiền mà còn trả thêm phí cơ hội. Xuống Bình Dương, Đồng Nai, người ta xếp hàng dài để rút tiền, tôi tin là dù có trả 55.000 đồng chứ không phải 5.500 đồng thì người ta vẫn chấp nhận rút nhưng với điều kiện là được rút liền. Mai tôi về quê, vé xe đã đăng ký nhưng lại không rút được tiền, không phải tôi mất 5.500 đồng tiền phí mà mất cả chi phí cơ hội, cái này đã được tính đúng tính đủ cho người dân chưa. Thêm vào đó, căn cứ cho mức phí 5.500 đồng này là từ đâu, chưa thấy ngân hàng nào giải thích. Trong khi đó, số dư tối thiểu trên cái thẻ chính là một dạng phí. Nếu tôi là người khôn ngoan tôi sẽ đưa số dư lên 100.000 đồng, còn phí để bằng 0 để loại được khách hàng mở thẻ nhưng không dùng. Mà chỉ riêng số dư tối thiểu này thôi thì đã đủ bù chi phí rồi, không cần phải thu thêm phí. Ông có nói đến nguồn thu từ tiền gửi để trong tài khoản thẻ, nhưng ngân hàng nói số này rất ít, không đủ bù chi phí? Thực tế, hiệu suất sử dụng thẻ ở Việt Nam hiện rất thấp, người ta bỏ tiền vào 9h thì 10h rút hết, ngân hàng không tận dụng được tiền gửi nhiều, mà nếu tận dụng được thì sẽ không bao giờ thu phí. Nhưng cái chính ở đây là anh không khai thác ATM một cách hiệu quả nên mới phải đẻ ra chuyện thu phí. Chính phủ yêu cầu trả lương qua tài khoản, nhưng đến ngân hàng rút thì mệt quá nên người dân mới ra ATM rút tiền. Thử hỏi nếu không có lệnh này của Chính phủ thì người ta lên phòng tài vụ của công ty rút cũng được, cần gì đến máy ATM rút vừa tốn phí vừa không rút được tiền. Có ngân hàng nào chứng minh được sự ưu việt của cái máy ATM nếu không có cái lệnh kia để khách hàng chấp nhận trả phí không? Thực ra mà nói, ngân hàng hiện nay không kiếm lợi nhuận cao được từ tín dụng, dịch vụ cũng khó khăn, do đó đây chỉ là một hành động tận thu để đạt chỉ tiêu lợi nhuận đã hứa với cổ đông, nhưng lại không quan tâm đến chất lượng. Vì những lý do đó mà theo tôi Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc chưa cho phép thu phí rút tiền ATM. Cái thẻ sinh ra không phải để rút tiền, và rút tiền qua ATM chỉ là một chức năng của thẻ mà thôi. Câu hỏi đặt ra là tại sao ngân hàng không đầu tư máy chấp nhận thẻ (POS), vừa nhỏ vừa ít tiền mà lại thu phí để đi đầu tư ATM. Anh đã sai từ cái nguyên lý gốc nên không tận dụng được tiền giá rẻ, mà không tận dụng được mới sinh ra cái chuyện thu phí. Vì sao hệ thống POS chưa phát triển ở Việt Nam, vì ngân hàng không đầu tư hay do người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng? Thói quen tạo nhanh lắm và thói quen hình thành từ sự tiện ích, trước đây có ai đội mũ bảo hiểm đâu nhưng bây giờ người ta đều đội. Để biết vì sao người ta ít thanh toán bằng thẻ thì cứ đến thanh toán bằng thẻ ở các siêu thị là biết liền, lâu vô cùng và bao nhiêu chuyện xảy ra xung quanh nó. Người ta không thấy được tiện ích nên không xài chứ không phải không quen xài. Người dân hiện nay trình độ cao lắm, nếu anh làm cái gì có lợi thì người ta sẽ dùng ngay. Phải thấy rằng các ngân hàng đang sai lầm về chiến lược, việc cần làm hiện nay là điều chỉnh về chiến lược đi, đừng loay hoay với cái ATM nữa! Nếu anh thu người ta 10.000 đồng nhưng dịch vụ tốt thì người ta sẵn sàng trả. Đừng để đầu tư máy ATM nhiều rồi sau này như mấy buồng điện thoại công cộng bỏ hoang, cái đó suy cho cùng là sai về chiến lược. Ở vùng sâu vùng xa làm thế nào mà gắn ATM, trong khi bây giờ người ta hoàn toàn có thể tận dụng được các bưu cục với lợi thế mạng lưới vô cùng lớn để chi trả tiền. Nhiều ngân hàng cho biết thu phí để tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới ATM phục vụ khách hàng. Có cần thiết không khi ngân hàng tiếp tục thu phí để tu bổ, gắn thêm máy ATM để người ta rút tiền mà không đầu tư vào các tiện ích khác cho thẻ nếu thấy xu hướng tương lai người ta sẽ không sử dụng tiền mặt nhiều nữa và cái buồng ATM cũng sẽ như các trạm điện thoại công cộng. Xin cảm ơn ông! Theo Thuỷ Triều TBKTSG