"Hậu cơn bão đầu tư Hàn Quốc" ở Phú Thọ:
Đầu tư kiểu "cơm chấm cơm"
Công việc bữa có bữa không là hiện trạng chung của nhiều doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc tại tỉnh Phú Thọ... Điều gì đã diễn ra sau “cơn bão đầu tư Hàn Quốc” từng làm khuynh đảo cả tỉnh Trung du này?
Khu công nghiệp lúc chợ chiều
Dãy nhà trọ hiu hắt nằm phía cuối KCN Thụy Vân gồm 10 gian nhà, mỗi gian rộng chừng 8m2 cửa đóng then cài. Phong và cô bạn cùng xóm trọ tên Giang (cả hai đều làm việc tại công ty TNHH Sheshin Việt Nam) đang ngồi chờ các bạn mình tan ca về.
Xóm trọ những lúc cao điểm có trên 20 người. Ấy là khi các nhà máy có việc, còn nay công việc nhiều chỗ phập phù, khi có khi không, nên nhiều người chán nản bỏ về quê.
Theo sở Kế hoạch Đầu tư Phú Thọ, đã có 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc bị rút giấy phép xây dựng tính đến hết tháng 9/2007. Tuy Sở này chưa đưa ra nhận định nguyên do cụ thể các doanh nghiệp này bị thu hồi giấy phép, nhưng dư luận ở Phú Thọ đang nhận định: Chính quyền ở đây đã bị một số doanh nghiệp nghèo và ít vốn lợi dụng bằng chiêu đầu tư “cơm chấm cơm”! |
Ngay bên ngoài cổng lớn khu công nghiệp là Hải quan nội địa, có hai chiếc xe container đang làm thủ tục hàng hóa. Nhưng ngay sau khu làm việc của hải quan là một doanh nghiệp “vườn không nhà trống”, cỏ dại mọc cao ngang đầu người.
Chiếc cổng sắt hoen rỉ không có dấu hiệu được kéo ra từ rất lâu. “Ngách” nhỏ bên cạnh có vết xe, chúng tôi mạnh dạn bước vào thì người bảo vệ già dáng vẻ mệt mỏi nói: Đóng cửa mấy năm nay rồi, có làm gì nữa đâu mà có người!
Một giấc mơ đang vỡ
Ngay từ ngày vừa tách khỏi tỉnh Vĩnh Phú năm 1997, tỉnh Phú Thọ lập khu công nghiệp Thụy Vân để thu hút đầu tư nước ngoài. Việc này khi ấy được đánh giá là thức thời, khi mà trào lưu thu hút đầu tư mới chỉ phát triển rầm rộ ở các tỉnh phía Nam.
Khu công nghiệp Thụy Vân nằm ở phía Bắc thành phố Việt Trì, có diện tích 400 ha. Cho đến nay, hệ thống giao thông nội bộ Khu công nghiệp đã được xây dựng hoàn chỉnh và được đấu nối đồng bộ vào mạng lưới giao thông của thành phố Việt Trì.
Những ngày đầu kêu gọi đầu tư, tỉnh ưu đãi về mọi mặt so với giá thuê đất ở các tỉnh khác có điều kiện tương tự: Ðược miễn, giảm thuế, hoặc nộp thuế chậm đối với những lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh mà tỉnh cần khuyến khích. Ðược vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng đầu tư và được hỗ trợ lãi suất vốn vay. Ðược tỉnh trợ giúp miễn phí các thủ tục đầu tư theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, bảo đảm thời gian nhanh gọn nhất...
Cụ thể, phí hạ tầng KCN Thụy Vân là 0,3 USD/m2/năm. Doanh nghiệp KCN được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc đồng bộ, dây chuyền công nghệ, phụ tùng, bộ phận rời, vật tư và nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Chưa hết doanh nghiệp còn được vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại với thuế suất thuế thu nhập áp dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào KCN là 15%/năm trong 12 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất kinh doanh, được miễn trong 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo.
Với những ưu đãi này, cao nhất đã có lúc Thụy Vân hút được 40 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 121,27 triệu USD và 627,07 tỷ đồng. Trong đó có 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 88,34 triệu USD, 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 32,93 triệu USD và 627,07 tỷ đồng.
Nhiều hội nghị đầu tư, các cuộc tiếp xúc song phương, những chuyến ngoại giao con thoi với các vị khách quý là các doanh nghiệp Hàn Quốc được tiến hành liên tục.
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chẳng mấy chốc nhiều người đã nhận ra rằng Phú Thọ đang bị lợi dụng bởi các doanh nghiệp... nghèo với vốn ít và công nghệ lạc hậu...
Theo Ngọc Tước - Hà Thiều
Giadinh.net