Đầu tư khách sạn 500 triệu USD, cuộc đua đang “nóng”
Riviera (Nhật bản) và Keangnam (Hàn Quốc) đều sẵn sàng đầu tư 500 triệu USD để xây khách sạn 5 sao trên đường Phạm Hùng (gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia) nếu được lựa chọn là chủ đầu tư dự án này...
6 nhà đầu tư “đánh trống ghi tên”!
Địa điểm xây khách sạn 5 sao này nằm trên đường Phạm Hùng, mang ký hiệu X2, có diện tích dự kiến dao động từ 4 - 6ha. Sau khi công khai kêu gọi đầu tư, đến ngày 16/11/2006, có 6 nhà đầu tư đã “đánh trống ghi tên” tham gia dự án và kết quả ban đầu này đã được Hội đồng lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại Hà Nội báo cáo UBND Thành Phố ngày 13/12/2006.
Trong 6 nhà đầu tư đăng ký kể trên, Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam giới thiệu tỏ ra rất có “thế mạnh” khi cho biết sẽ đầu tư toàn bộ bằng vốn của mình và vốn vay, với tổng mức đầu tư ban đầu đưa ra là 72 triệu USD (cho diện tích 4ha) và quy mô công trình gồm 300 phòng khách sạn, 60 căn hộ chung cư cho thuê, 7.000m2 dành cho thương mại - hội họp - văn phòng - giải trí và các dịch vụ khác...
Thêm nữa, Keangnam còn cam kết trả hết tiền thuê đất 50 năm một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất, với đơn giá 138.600 đồng/m2/năm; cam kết hỗ trợ không hoàn lại cho Thủ đô 5 triệu USD trong vòng 30 ngày sau khi được lựa chọn làm chủ đầu tư; ủng hộ 8,5 tỉ đồng để hạ ngầm đường điện 110KV.
Tuy nhiên, UBND Thành Phố Hà Nội vẫn đang xem xét đề nghị của Hội đồng, mà chưa quyết định chính thức lựa chọn nhà đầu tư nào. Sau đó, UBND Thành Phố lại nhận được Công thư của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (ghi ngày 8/12/2006) và Công thư của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu Tập đoàn Riviera (Nhật) cũng muốn đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại vị trí X2 trên.
Theo đề xuất của Hiệp hội Kanagawa-Việt Nam/Tập đoàn Riviera, 550 phòng khách sạn sẽ được xây dựng cùng 200 văn phòng cho thuê, ngoài ra là khu thương mại, vui chơi giải trí... với tổng mức đầu tư dự án là 500 triệu USD (ban đầu là 6,38ha, sau đó đồng ý giảm xuống 4ha). Trong đó, Tập đoàn Riviera góp 200 triệu USD, Ngân hàng Tín dụng Thương mại Trung Quốc 200 triệu USD, Công ty Tài chính CSK 100 triệu USD.
Kanagawa/Riviera cũng cam kết trả hết một lần tiền thuê đất 50 năm với đơn giá 140.000 đồng/m2/năm và hỗ trợ 3 triệu USD cho Thành Phố Hà Nội nhưng trong vòng 60 ngày (kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất/được lựa chọn là chủ đầu tư).
Ngày 25/1/2007, UBND Thành Phố Hà Nội đã ra Thông báo số 23/TB-UBND truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu, trong đó xác định Hiệp hội Kanagawa-Việt Nam/Tập đoàn Riviera (Nhật bản) là “đối tác ưu tiên” của Thành Phố, đồng thời giao Sở KH&ĐT phối hợp Sở Ngoại vụ kiểm tra năng lực tài chính của Tập đoàn này. Một số sở, ngành liên quan cũng được giao đàm phán với nhà đầu tư về các nội dung dự án: diện tích đất giảm từ 6ha xuống 4ha, mật độ xây dựng có thể thay đổi, các điều kiện khác không thay đổi...
Keangnam cũng tăng lên 500 triệu USD và 500 phòng khách sạn!
Trước tình hình này, trong đề xuất vào ngày 31/1/2007 vừa qua, Tập đoàn Keangnam cũng cho biết sẵn sàng tăng tổng mức đầu tư dự án lên 500 triệu USD nếu Thành phố cho tăng chỉ tiêu quy hoạch và đề nghị tăng diện tích từ 4ha ban đầu lên thành 6,38ha.
Nếu được thuê thêm 2,38ha - Keangnam cũng sẽ điều chỉnh quy mô công trình lên thành 500 phòng khách sạn và 200 văn phòng, căn hộ... khác (tương đương đề xuất của Riviera), đồng thời khẳng định cuối quý II/2007 sẽ hoàn thành thiết kế, lựa chọn nhà thầu để khởi công. Thời gian triển khai dự án được cam kết là 30 tháng, hoàn thành vào tháng 1/2010.
Theo đánh giá của Hội đồng lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, hồ sơ và đề xuất của Tập đoàn Keangnam có phần tốt hơn Hiệp hội Kanagawa-Việt Nam/Tập đoàn Riviera. Tại cuộc gặp gỡ ngày 6/2/2007, Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cũng thông báo với Đại sứ Nhật Bản là Thành phố hiện chưa quyết định chính thức và công bố đơn vị nào được chọn làm chủ đầu tư.
Được biết, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Keangnam theo báo cáo tài chính năm 2005 là 302 triệu USD, trong khi của Tập đoàn Riviera là 8,93 triệu USD (năm 2005) và 85,8 triệu USD (năm 2006 - tăng 9,6 lần so với năm 2005). Phía Nhật Bản cũng không có báo cáo tài chính của Ngân hàng Trung Quốc, CSK (chỉ có của Taisei và Nishimatsu - có thể là nhà thầu xây dựng vì không có trong thành phần góp vốn).
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, Tập đoàn Riviera cũng không cam kết rõ thời gian xây dựng, nhưng cam kết hoàn thành công trình cuối 2009 (trong khi đối tác Hàn Quốc cam kết cụ thể thời gian triển khai dự án là 30 tháng, cuối quý II/2007 hoàn tất thiết kế và lựa chọn nhà thầu, với thời điểm hoàn thành tương đương nhau).
Theo T.A.Nguyễn
Vietnamnet