1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đầu tư công vẫn không hiệu quả

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa báo cáo Chính phủ về tình hình rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại các nguồn vốn đầu tư nhà nước thực hiện Nghị quyết 11/CP.

Theo đó, tổng số vốn đầu tư cắt giảm trong năm 2011 là xấp xỉ 97.000 tỉ đồng, bằng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011.

 

Việc cắt giảm, dãn tiến độ các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ là nhằm sử dụng đồng vốn hiệu quả, tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế và cả Bộ KHĐT cũng đã có cảnh báo nghiêm túc và kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh.

 

Chậm tiến độ còn khá lớn

 

Qua kết quả giám sát, đánh giá tổng thể về đầu tư năm 2010 của Bộ KHĐT công bố mới đây, thì tình trạng chậm tiến độ thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước còn khá lớn, dù so với các năm trước đã giảm nhiều.

 

Cụ thể, trong số 34.607 dự án đang thực hiện đầu tư, thì có tới 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ.

 

Điều đáng nói là trong số này có nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng, có xu hướng tăng dần trong các năm gần đây (tỉ lệ dự án chậm tiến độ năm 2009 là 16,9%, năm 2008 là 16,6% và 2007 là 14,8%).

 

Các chuyên gia của Bộ KHĐT nhận định: Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

 

Nguyên nhân chủ yếu do việc chậm giải phóng mặt bằng (1.345 dự án, chiếm 3,89% tổng số dự án thực hiện), nhưng không ít trong số này là do năng lực của chủ đầu tư, từ ban quản lý dự án và các nhà thầu yếu kém (chiếm 685 dự án, tỉ lệ 1,98%); do thủ tục đầu tư (535 dự án, chiếm 1,55%); do chậm bố trí vốn (500 dự án, chiếm 1,44%) và nhiều nguyên nhân khác (727 dự án, chiếm 2,1%).

 

Khuyến khích khu vực tư nhân

 

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc, khác với các năm trước, năm 2011, chính phủ chỉ đạo thực hiện cắt giảm đầu tư công bằng việc không kéo dài thời gian giải ngân trong kế hoạch 2011, không ứng trước vốn kế hoạch 2012.

 

Đồng thời với đó, Chính phủ mạnh tay cắt giảm 32% vốn trái phiếu chính phủ, giảm 10% vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, thì tổng số đã giảm được khoảng 50.000 tỉ đồng; bên cạnh đó, số vốn cắt giảm do thực hiện các giải pháp quy định tại Nghị quyết số 11 là 46.888,3 tỉ đồng, trong đó riêng vốn ngân sách nhà nước cắt giảm là 5.128 tỉ đồng, vốn TPCP là 2.547,5 tỉ đồng; các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước cắt giảm 39.212,2 tỉ đồng. Bộ trưởng cho biết, việc điều chuyển, cắt giảm dự án trong nội bộ từng ngành, từng địa phương sẽ theo phương châm tập trung vào các dự án cấp bách, cần thiết cho phát triển kinh tế, cho nhu cầu xã hội, dân sinh.

 

Tuy nhiên, sau quá trình rà soát, hiện nay, nhiều địa phương đã bộc lộ những khó khăn như trước đây, khi còn được ứng trước vốn năm sau cho thực hiện năm trước, các địa phương khá chủ động trong đầu tư thì nay việc này sẽ không còn nữa.

 

Ông Phúc cho biết, do không được ứng vốn nên nhiều đơn vị đã bắt đầu không có vốn, nhiều công trình đang thi công hết vốn có khả năng phải dừng lại. Đây là một thực tế, nên khi tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chúng tôi đã nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải cân đối vốn cho những công trình thực sự cần thiết. Những công trình chưa có khả năng hoàn thành trong năm thì dừng đầu tư.

 

Cắt giảm đầu tư công theo các chuyên gia kinh tế sẽ là một bước thực hiện tái cơ cấu đầu tư, theo phương thức với DNNN - tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, còn với các địa phương, tỉnh, thành thì đầu tư từ ngân sách hầu hết sử dụng  sẽ giúp cơ cấu lại nguồn vốn hiệu quả.

 

Trên thực tế, nhiều khu vực công do thiếu vốn nên Chính phủ đang có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế khác như khu vực tư nhân tham gia (như phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

 

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - lưu ý: Bên cạnh việc cắt giảm đầu tư công, cần phải đi song hành với chính sách đồng bộ thúc đẩy khu vực tư nhân. Nguồn đầu tư công điều chỉnh sang khu vực tư nhân sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.

 

Năm 2008, Bộ KHĐT đã thống kê một danh mục cắt giảm đầu tư với khoảng hơn 3.000 dự án, với khoảng 37.000 tỉ đồng được đề nghị dừng, dãn tiến độ.

 

Nhưng trên thực tế, việc cắt giảm không được bao nhiêu. Cũng năm đó, vốn nhà nước chi cho đầu tư phát triển vượt gần 20% dự toán; lạm phát năm 2008 ở mức gần 20%.

 

Theo Hồng Quân

Lao động