Quảng Nam:

Đầu tư 177 tỷ đồng, bán… 47 tỷ đồng

(Dân trí) - Nhà máy đường Quảng Nam được xây dựng từ năm 1997 với số vốn đầu tư là 177 tỷ đồng nhưng hoạt động vài năm thì ngừng để rao bán vì thua lỗ quá nặng. Sau hai lần “đại hạ giá”, nhà máy cũng đã bán được nhưng với số tiền 47,680 tỷ đồng.

Phá sản ngay từ khi… bắt đầu

Cuối tháng 7/2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy đường Quảng Nam (thôn 5, xã Quế Cường, huyện Quế Sơn) với số vốn ban đầu gần 99 tỷ đồng, công suất 1.000 tấn mía/ngày.

Sau 4 lần điều chỉnh, tháng 11/2001, tổng vốn của dự án đã lên đến gần 177 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà máy từng được xem là “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp chế biến nông sản đã không thể kéo dài được lâu và nhanh chóng tan như bong bóng xà phòng.

Chỉ sau vài vụ sản xuất, nhà máy buộc phải ngừng hoạt động do thiếu nguồn nguyên liệu và nhất là lỗ triền miên. Đặc biệt, những khuất tất trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị khiến cho công nghệ của nhà máy nhanh chóng lạc hậu và xuống cấp.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam - đơn vị thụ lý hồ sơ vụ phá sản nhà máy - cho đến nay, số tiền mà nhà máy nợ phải trả tính cả vốn lẫn lãi lên đến hơn 356 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng nghìn nông dân, công nhân cũng trở thành chủ nợ của nhà máy.

Đại hạ giá!

Sau khi làm thủ tục phá sản, đầu tháng 11/2007, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh Quảng Nam rao bán với giá 68 tỷ đồng. Đây được coi là một giá quá bèo bán tháo “của nợ” này để vớt vát lại nhằm giảm tổn thất lớn về kinh tế. Dù chỉ bằng 1/3 giá trị đầu tư nhưng hơn 1 tháng rao bán, không có một nhà đầu tư nào “dạm hỏi”.

Để có thể bán được, tháng 1/2008, hội đồng định giá tỉnh Quảng Nam đã phải “đại hạ giá” xuống còn 47,638 tỷ đồng. Và lần này, đã có 2 đơn vị tham gia mua là Công ty cổ phần xây dựng - thương mại Cửa Việt (Hà Nội) và Công ty TNHH Thủy Lợi (TPHCM).

Sáng 25/3, Nhà máy đường Quảng Nam được đưa ra bán đấu giá. Kết quả, Công ty Cửa Việt đã giành phần thắng với mức giá 47,680 tỷ đồng.

Từ 177 tỷ đồng bây giờ chỉ thu lại được 1/4 giá trị đầu tư - không chỉ mất mát về tiền bạc, việc đầu tư xây dựng để rồi sớm thanh lý một nhà máy một thời được xem là “bạn của nhà nông”, mà còn làm mất đi rất nhiều niềm tin của người nông dân Quảng Nam.

Tường Vy