Đấu thầu ngành năng lượng chỉ là đấu giá!
(Dân trí) - Đấu thầu thực chất là đấu giá trong khi mục tiêu phát huy nội lực còn quá khiêm tốn, mỗi năm vẫn phải dành hàng chục tỷ USD để nhập thiết bị nước ngoài… là những vấn đề đã và đang ảnh hưởng quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam.
Phát huy nội lực là giải pháp cấp thiết để phát triển năng lượng Việt Nam.
Theo quy định của luật đấu thầu hiện hành, việc đấu thầu EPC (tổng thầu) hoặc từng gói thầu của các dự án đầu tư xây dựng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là sơ tuyển về năng lực và kinh nghiệm, giai đoạn 2 là đấu thầu thương mại và giá.
Với phương thức lựa chọn này, nhiều doanh nghiệp khẳng định: hầu hết các nhà thầu đều vượt qua giai đoạn 1 vì thực tế các nhà thầu (kể cả nhà thầu không đủ năng lực) có thể thuê các nhà tư vấn có kinh nghiệm làm bài. Như vậy, thực chất đấu về giá và với cách làm này thì không có nhà thầu nào trong nước có thể vượt qua được các nhà thầu nước ngoài chào giá thấp.
Tại hội thảo quốc tế quy hoạch và chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam diễn ra ngày 20/8, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã có ý kiến với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan chức năng về những bất cập trong công tác đấu thầu.
Hiện nay chúng ta mới đấu giá chứ không phải là đấu thầu. Và thực tế cho thấy, một loạt thiết bị của các dự án nhiệt điện thời gian qua được nhập từ Trung Quốc, rất rẻ nhưng không ai có thể nói trước được chất lượng của các thiết bị ấy!”
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho rằng: Những bất cập trong luật đấu thầu có nguyên nhân từ việc chúng ta bãi bỏ điều khoản nêu xuất xứ thiết bị trong hồ sơ mời thầu.
“Thật sơ đẳng về nhận thức khi chúng ta cho rằng một xe hơi công suất 3.0 của một nước đang phát triển cũng được đánh giá tương đương xe hơi 3.0 của một nước G7. Tương tự như vậy, một nhà máy nhiệt điện công suất 300MW hoặc nhà máy xi măng 1,5 triệu tấn/năm dùng thiết bị của một nước đang phát triển cũng tương đương về giá trị như đối với thiết bị của một nước G7… Bởi vậy trong luật đấu thầu và hồ sơ mời thầu chúng ta cần đưa hệ số tính điểm về xuất xứ thiết bị để xét thầu” - doanh nghiệp bức xúc lên tiếng.
Theo ông Ngãi, chính sách hiện nay chưa thực sự tạo ra sự công bằng đối với doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng có thể xem là ảnh hưởng tới việc phát huy nội lực.
Hiện nay các dự án ở nước ta phần lớn do các nhà thầu EPC nước ngoài thực hiện, trong đó có dự án 100% công việc là do người nước ngoài đảm nhận từ những việc lao động phổ thông nhất như nấu ăn, vệ sinh, bảo vệ… đến kỹ sư, công nhân xây dựng lắp máy… kể cả những vật tư, vật liệu có sẵn tại thị trường Việt Nam cũng được nhập khẩu về.
Theo số liệu thống kê, hàng năm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chúng ta phải thực hiện một khối lượng công việc từ 25 - 30 tỷ USD (chiếm 30 - 40% GDP của cả nước). Trong đó, thiết bị công nghệ nhập khẩu khoảng 10 - 12 tỷ USD.
Rõ ràng, đây là những bất cập cần có những giải pháp cấp thiết để đẩy mạnh phát triển năng lượng Việt Nam nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Lan Hương