"Đầu tàu" kinh tế TP.HCM đang "chạy chậm" nhất trong lịch sử

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%. Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, kéo theo tình trạng thất nghiệp.

Hôm qua (3/10), UBND TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay”, nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tiếp nhận những kiến nghị, giải pháp thúc đẩy kinh tế.

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá: "Đây là lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%".

Đầu tàu kinh tế TP.HCM đang chạy chậm nhất trong lịch sử - 1

Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay được tổ chức trực tuyến. Ảnh: Đại Việt

Theo ông Phong, toàn thành phố đã có hơn 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng, làm giảm doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng.

Ông Phong thông tin: Dịch bệnh đã khiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng trong khó khăn của dịch bệnh mới thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp thành phố. Hiện đã có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, hơn 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỷ đồng.

Đầu tàu kinh tế TP.HCM đang chạy chậm nhất trong lịch sử - 2

Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đang vô cùng khó khăn vì dịch bệnh. Ảnh: Đại Việt

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho biết hiệp hội này đã có cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, số doanh nghiệp còn gặp khó khăn và khó khăn nghiêm trọng chiếm đến 84%, chỉ có khoảng 14% là vượt qua khó khăn ban đầu và trở lại trạng thái bình thường.

“Nguyên nhân khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu là thiếu vốn, đứt gãy chuỗi cung ứng và khó khăn do bị thu hẹp thị trường. 52% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động vì khó khăn” - ông Dũng nói.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chia sẻ: Để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công.

Theo ông Ngân, TPHCM cũng cần nhanh chóng triển khai, cụ thể hóa các chương trình, đề án trọng điểm. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu nội địa, đẩy mạnh liên kết vùng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần đẩy nhanh tiến độ các chương trình số hóa, ban hành các chính sách, giải pháp cụ thể để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc. Ưu tiên FDI có khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước để chia sẻ cơ hội cùng phát triển.

Đầu tàu kinh tế TP.HCM đang chạy chậm nhất trong lịch sử - 3

Nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa

Đối với các doanh nghiệp trong nước, ông Ngân khuyến nghị, doanh nghiệp cần đổi mới tư duy quản lý và có tầm nhìn dài hơi. Các doanh nghiệp trong cùng hiệp hội cần có sự liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm hạn chế sự đứt gãy nguồn cung và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.

“Các doanh nghiệp cần đào tạo nguồn nhân lực thật tốt để thích nghi với tình hình mới, tạo ra những sản phẩm mới dễ thích ứng với thị trường trong hoàn cảnh khó khăn này. Sắp xếp lại hệ thống quản trị, vận hành để sẵn sàng cho những cú bật mạnh mẽ khi cuộc sống trở lại bình thường” - ông Ngân nói.

Đại Việt