1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Dầu Nga ngừng chảy tới Trung Âu: Cuộc chiến năng lượng hay vấn đề kỹ thuật?

Nhật Linh

(Dân trí) - Vài ngày tới sẽ có thể biết việc dầu Nga ngừng chảy tới Trung Âu có phải là sự leo thang cuộc chiến năng lượng của Nga hay là do vấn đề kỹ thuật trong thanh toán.

Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy nguồn cung dầu của châu Âu đang rất mong manh khi dòng dầu từ Nga tới Trung Âu đã bị tạm dừng do tranh chấp thanh toán qua đường ống với Ukraine. Điều này dấy lên lo ngại rằng "cuộc chiến năng lượng" giữa Moscow và châu Âu đang leo thang.

Xác nhận với New York Times hôm qua (9/8), các nhà chức trách ở Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc cho biết việc vận chuyển dầu từ Nga qua đường ống chủ chốt đã bị ngừng từ ngày 4/8.

Dầu Nga ngừng chảy tới Trung Âu: Cuộc chiến năng lượng hay vấn đề kỹ thuật? - 1

Transneft cho biết UkrTransNafta đã ngừng dòng dầu đến Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc từ 4/8 (Ảnh: Getty).

Trước đó, 3 quốc gia này, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu của Nga, đã được châu Âu miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, tranh chấp đã diễn ra ở điểm phía nam của một đường ống có tên Druzhba, tiếng Nga có nghĩa là tình hữu nghị. Đường ống dẫn dầu này dài khoảng 2.500 dặm (4.032km), vận chuyển dầu Urals tới Trung Âu.

Transneft, tập đoàn dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước Nga điều hành phần đường ống phía Nga, đã trả phí vận chuyển cho đối tác Ukraine là UkrTransNafta để dầu chảy qua đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, hôm 9/8, Transneft cho biết khoản thanh toán tháng 7 của họ đã bị trả lại với lý do liên quan đến các lệnh trừng phạt của châu Âu. Transneft cho biết UkrTransNafta sau đó đã ngừng dòng dầu đến Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc.

Đức và Ba Lan, ở đầu phía Bắc đường ống nên không bị ảnh hưởng, Transneft cho biết.

UkrTransNafta vẫn chưa có bình luận về vấn đề này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Séc Jozef Sikela cho biết trong một tuyên bố trên twitter rằng nước ông không còn nhận dầu từ Nga và đang liên hệ với tất cả các bên liên quan để tìm giải pháp cho vấn đề này.

"Vài ngày tới sẽ cho thấy liệu đây có phải là một sự leo thang khác trong cuộc chiến năng lượng của Nga hay là do vấn đề kỹ thuật trong thanh toán", ông nói.

Cả Transpetrol, nhà điều hành đường ống ở Slovakia và MOL, nhà điều hành đường ống ở Hungary, cũng xác nhận dầu thô đã không tới nước họ vì vấn đề thanh toán giữa Nga và Ukraine.

Cả ba nước này đều cho biết họ vẫn có lượng dầu dự trữ đủ trang trải cho sự thiếu hụt này trong những tuần tới. Tuy nhiên, nếu gián đoạn kéo dài có thể gây rắc rối cho các nhà máy lọc dầu kết nối với nguồn cung này.

Hãng nghiên cứu IHS Markit cho rằng, một đường ống thay thế qua Biển Adriatic có thể được sử dụng để cung cấp dầu cho cả 3 nước này. Tuy nhiên, hãng này cũng cảnh báo khả năng Hungary và Slovakia sẽ không bù đắp được nguồn thiếu hụt nếu cắt hoàn toàn nguồn cung dầu Nga.

Tính đến tháng 1, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc nhận được khoảng 250.000 thùng dầu Nga mỗi ngày thông qua đường ống.

Giá dầu Brent đã tăng sau tin tức dòng dầu Nga tới Trung Âu bị ngắt nhưng ngay sau đó lại giảm trở lại về mức hơn 96 USD/thùng. 

Kể từ khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho thấy ông sẵn sàng sử dụng quyền kiểm soát năng lượng như một đòn bẩy đối với châu Âu. Trước đó, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho một số nước châu Âu như Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan. Hồi tháng 6, vào ngày các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italy tới thăm Kiev, thủ đô của Ukraine, các nước này cũng ghi nhận sự sụt giảm về nguồn cung khí đốt Nga. Tương tự, Áo và Cộng hòa Séc cũng bị thiếu hụt.

Dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức, nước tiêu thụ khí đốt Nga lớn ở châu Âu, đã giảm 60% trong tháng 6 và sau đó giảm tới 80% trong tháng 7. Moscow cho rằng sự gián đoạn này là do vấn đề bảo trì đường ống.

Theo New York Times