Đầu năm xông đất doanh nghiệp

Nhâm Tuất qua đi để lại dấu mốc vàng son với nhiều doanh nghiệp Việt, Đinh Hợi đến hứa hẹn tên tuổi Việt Nam sẽ vươn ra biển lớn. Ngày đầu xuân hãy xem các tổng giám đốc "bật mí" kế hoạch hành động trong năm Hợi.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT Trương Gia Bình: 2007 là năm đổi mới để FPT vươn tới tập đoàn toàn cầu. Chính sách của chúng tôi là thiết lập liên minh chiến lược với các tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới trong mọi lĩnh vực hoạt động của tập đoàn, tiến nhanh ra thị trường nước ngoài. Phương châm của FPT rất đơn giản: "Không sợ sai, chỉ sợ không dám sửa sai".

Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIBank) Hàn Ngọc Vũ: Định hướng phát triển của VIBank tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi dự định phát triển những dịch vụ trọn gói để phục vụ cho đối tượng khách hàng trọng tâm này. Việc tìm kiếm đối tác chiến lược và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán có thể vào năm 2008.

Tôi cho rằng tới đây các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài sẽ cạnh tranh rất gay gắt trong việc cung ứng giải pháp về quản lý dòng tiền cho các doanh nghiệp nói chung tại Việt Nam. Còn về sự cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ thì có thể sẽ diễn ra muộn hơn trong vài năm tới. Các ngân hàng nước ngoài hoạt động rất mạnh ở Việt Nam song họ chỉ mạnh ở một mặt nào đó, còn rất nhiều lĩnh vực để các ngân hàng Việt Nam chiếm ưu thế.

Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) Bùi Thị Mai: 2006 là một năm thành công rực rõ với Habubank trên nhiều lĩnh vực, với các kết quả hoạt động kinh doanh vượt chỉ tiêu 2 con số. Chúng tôi đã xây dựng được cấu trúc cổ đông trong đó thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như Vinashin, Satra, Lilama, đặc biệt thành công trong việc lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài sớm hơn kế hoạch dự kiến.

Trong năm 2007, ngân hàng sẽ không ngừng nâng cao động lực làm việc và năng lực cán bộ. Mục tiêu của chúng tôi là duy trì sự hài lòng, trung thành và gắn bó của khách hàng với Habubank.

Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn Nguyễn Duy Hưng: Chúng tôi không chỉ dừng lại củng cố chất lượng các dịch vụ hiện có để cạnh tranh, giữ thị phần mà phải nghĩ đến những dịch vụ khác, xa hơn để cạnh tranh với các định chế nước ngoài. Họ có tên tuổi nhưng lại thiếu kinh nghiệm ở Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng khi vào WTO, doanh nghiệp Việt Nam không những cạnh tranh thị trường trong nước mà còn tham gia cạnh tranh ở nước ngoài. Trước đây, mình chỉ nghĩ hội nhập là người ta vào để cạnh tranh mình, còn bây giờ hội nhập là doanh nghiệp Việt Nam tham gia cạnh tranh tại chính các nước đó. Thách thức chia sẻ thị phần trong nước, nhưng ngược lại, cơ hội giành thị phần ở nước ngoài cũng sẽ đến nhiều hơn.

Theo Việt Phong
VnExpress