Đấu lý với doanh nghiệp Mỹ vụ bán phá giá thịt gà: Khó thắng
Theo thông tin từ Hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, đơn vị này đang chuẩn bị kiện các doanh nghiệp Mỹ vì bán phá giá thịt gà. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vụ kiện này phần thắng rất khó nghiêng về Việt Nam.
Quyết tâm theo kiện
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Khanh, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, vụ kiện các doanh nghiệp Mỹ chưa từng có tiền lệ. Dù biết rất tốn kém nhưng Hiệp hội vẫn quyết tâm gom vốn để kiện, nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Cũng theo ông Khanh, Hiệp hội đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho vụ kiện. Hiệp hội đã chọn được công ty luật để tư vấn, lo các thủ tục pháp lý, chuẩn bị hồ sơ nộp cho Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) trong tháng 11.
Theo đuổi vụ kiện ở tầm quốc tế khá tốn kém, do đó, kinh phí vụ kiện được phân bổ cho các doanh nghiệp thành viên và được đóng góp theo tiến độ. Vụ kiện được các hội viên ủng hộ nên vấn đề chi phí không phải là điều lo ngại. Dự kiến chi phí cho vụ kiện khoảng 10 tỉ đồng.
Để củng cố căn cứ cho vụ kiện, ông Âu Thanh Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đã cất công sang tận Mỹ để khảo sát thị trường.
Tại các siêu thị giá rẻ của Mỹ được khảo sát, ông Long nhận thấy giá bán lẻ đùi gà là 2,79 USD/kg, trong khi bán sang Việt Nam chỉ 0,8 USD/kg. Theo ông Long, đây là điều hết sức bất thường, có dấu hiệu bán phá giá, bán dưới giá thành.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát tình hình chăn nuôi gà công nghiệp tại Mỹ cũng cho thấy giá thành không chênh lệch so với Việt Nam. Ông Long cho rằng, dù giá thức ăn chăn nuôi ở Mỹ thấp hơn Việt Nam 15% vì họ có lợi thế về nguyên liệu bắp, đậu nành nhưng chi phí nhân công, điện, vật liệu cao hơn Việt Nam. Hơn nữa, đùi gà Mỹ nhập về Việt Nam còn phải tốn chi phí vận chuyển, bảo quản, thuế, phí…
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, lượng thịt gà Mỹ nhập về Việt Nam là 41.600 tấn, giá nhập trung bình trước thuế là 0,9 USD/kg (cả năm 2014 nhập 56.400 tấn, giá trung bình 1,1 USD/kg). Riêng đùi gà thì Mỹ chiếm tới 98% về sản lượng, giá nhập trung bình 0,94 USD/kg và phải chịu thuế nhập khẩu 20%.
Trong khi đó, giá gà lông trắng nuôi trong nước đang ở mức 25.000-26.000 đồng/kg, gà giết mổ nguyên con có giá bán 34.000-36.000 đồng/kg. Tại Mỹ, giá trị con gà nằm ở phần thịt ức nên những phần còn lại đều có giá rất rẻ.
Nếu kiện chắc chắn thua
Ở góc nhìn khác, theo ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, việc kiện gà Mỹ không tác dụng gì. Theo ông Trúc, lý do là Việt Nam không có đủ căn cứ để kiện họ.
"Khi đã kiện ra tòa án Quốc tế thì phải thực hiện theo luật chung. Mình phải có đầy đủ căn cứ để so sánh được các doanh nghiệp của họ phá giá thì mới có thể kiện được", ông Trúc cho hay.
“Gà Mỹ bán cho cả thế giới giá đó chứ không riêng gì Việt Nam nên không thể nói rằng họ phá giá. Chẳng qua giá thành của mình cao quá, cao hơn giá gà của họ nhiều nên mình thấy bất thường thì bảo họ phá giá. Theo ý kiến của tôi thì là như vậy, nếu kiện thì chắc chắn là thua. Nếu thua thì có nên bỏ tiền mà kiện hay không thì cần phải suy nghĩ lại”, ông Trúc nhấn mạnh.
Ông Trúc cũng chỉ ra, thời gian trước lúc các nước cấm nhập gà Mỹ thì Việt Nam vẫn nhập. Vì ít thị trường nên gà Mỹ tồn nhiều, họ phải hạ giá để bán cho nhanh hết. Là người kinh doanh thì ai cũng làm như vậy chứ không có gì lạ.
Ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam
Bên cạnh đó, ông Trúc cho rằng, cần phải xem lại xem có phải các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam thấy gà rẻ mà nhập về quá nhiều nhưng không bán hết, sợ hết hạn sử dụng phải hạ giá bán hay không?
Về giải pháp cạnh tranh với gà Mỹ, ông Đoàn Xuân Trúc cho rằng việc cạnh tranh sẽ khá khó bởi họ sản xuất theo quy mô công nghiệp nên giá rất thấp. Cạnh tranh với gà nước ngoài là câu chuyện dài, cần nhiều thời gian và nhiều cơ quan vào cuộc.
“Việt Nam chỉ cạnh tranh bằng cách hạ giá thành sản xuất xuống, tăng cường chất lượng vệ sinh thực phẩm. Mình sản xuất trong nước được thì hạn chế được chi phí vận chuyển. Trong khi gà Mỹ được miễn thuế nhưng vẫn mất tiền vận chuyển, kiểm dịch…”, ông Trúc cho hay.
Theo Hoàng Long
Một Thế giới