Dấu hiệu phục hồi kinh tế còn rất yếu ớt
(Dân trí) - UB GSTCQG đã chỉ ra những mảng màu xám của bức tranh kinh tế 2012. Với điều kiện sản xuất thu hẹp, cầu tiêu dùng kiệt quệ, tồn kho tăng mạnh đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, tốc độ thu NSNN thấp nhất 3 năm.
Tăng GDP năm 2012 thấp hơn cả thời điểm 2009.
Tăng trưởng thấpTheo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC), mặc dù có sự cải thiện tốc độ tăng quý sau cao hơn quý trước, song tăng trưởng GDP năm 2012 vẫn ở mức thấp, chỉ tăng 5,03% so với năm 2011, thấp hơn cả mức tăng của năm 2009.
Điều đáng lưu ý, theo UBGSTC, tuy có nhiều biện pháp hỗ trợ về mặt tín dụng song tăng trưởng của ngành nông lâm thủy sản vẫn có dấu hiệu giảm dần và không còn là cứu cánh của nền kinh tế như hồi 2009. Mức đóng góp của ngành này vào tăng trưởng năm 2012 chỉ đạt 0,44%.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng và sản xuất công nghiệp với mức đóng góp giảm sút (1,89% vào mức tăng trưởng chung) và tốc độ tăng trưởng thấp (tăng 4,52% so cùng kỳ 2011) là một trong những nguyên nhân gây ra tăng trưởng kinh tế thấp của năm 2012.
Cụ thể, thị trường bất động sản đóng băng cùng với việc cắt giảm đầu tư công đã kéo theo sự giảm tốc của ngành xây dựng. Nếu các năm trước, tốc độ tăng trưởng ngành này đạt trên 10% thì trong 6 tháng đầu năm 2012 lại giảm sút -5,4% và chỉ có được sự cải thiện nhờ vào tăng đầu tư xây dựng cơ bản trong 6 tháng cuối năm.
Điều kiện sản xuất thu hẹp
Trong khi đó, sự sụt giảm khu vực sản xuất công nghiệp cũng là một mối quan ngại lớn. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP thấp ở quanh mức 4,8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,5% của năm 2011.
Mới đây, kết quả chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do HSBC và Markit Economics công bố cho thấy, trong tháng 12/2012, chỉ số này đã lùi về dưới mốc 50, phản ánh suy giảm về các điều kiện sản xuất, giảm số lượng đơn đặt hàng mới.
Trước đó, PMI đã giảm liên tiếp ở dưới ngưỡng 50 điểm trong 7 tháng liên tiếp (từ tháng 4 đến tháng 10) cho thấy quy mô sản xuất của doanh nghiệp trong năm 2012 có xu hướng thu hẹp.
Những nguyên nhân trên khiến doanh nghiệp Việt Nam cả trong và ngoài khu vực quốc doanh đều có một năm gặp nhiều khó khăn. Trong khi số doanh nghiệp mới thành lập cả về số lượng và vốn đăng ký đều giảm mạnh so 2011 (lần lượt giảm 10% và 7,5%). Chỉ tính riêng 11 tháng, đã có trên 51.800 doanh nghiệp nội địa phải đóng cửa hoặc tạm thời ngưng hoạt động.
Tại cuộc họp báo sáng 4/1, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng công bố số liệu chính thức cho thấy, trong năm vừa rồi, số doanh nghiệp giải thể, phá sản lên tới 54.361 đơn vị, cao hơn so với mức 53.972 doanh nghiệp của năm 2011.
Tính đến ngày 31/12/2012, cả nước có khoảng 475.700 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 70.000 thành lập mới trong năm.
"Điều này cho thấy những dấu hiệu phục hồi kinh tế hiện nay vẫn còn rất yếu ớt", theo UBGSTC.
Doanh nghiệp VN vừa trải qua 1 năm đầy khó khăn.
Lực cầu yếu, tồn kho cao
Trong khi đó, cầu tiêu dùng suy yếu khiến lượng hàng tồn kho tăng cao. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm sút đáng kể, chỉ tăng 16% so với năm 2011, thấp hơn nhiều so mức tăng 24,2% của năm 2011 so với 2010.
Nếu loại trừ yếu tố giá, UBGSTC cho biết, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ sẽ chỉ tăng khoảng 6,2% trong năm 2012 vừa rồi.
Hàng tồn kho mặc dù đã giảm dần từ mức đỉnh 34,9% tại thời điểm tháng 3/2012 xuống mức 20,1% trong những tháng cuối năm song mức tồn kho bình quân trong cả năm vẫn bị cho là cao, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp sản xuất ở quy mô đáng kể.
Những khó khăn trên của nền kinh tế đã tác động trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước trong năm vừa qua, trở thành năm có thu NSNN đạt thấp so kế hoạch năm, tiến độ thu thấp nhất trong vòng 3 năm.
Thu nội địa và thu từ khu vực ngoài quốc doanh giảm mạnh 24,7% so với dự toán cho thấy khu vực này đang chịu tác động mạnh từ khó khăn của nền kinh tế.
Về lạm phát, trong năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm mạnh từ mức cao 18,13% của năm 2011 xuống mức 6,81%. Trong đó, lạm phát lõi (sau khi đã loại trừ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, xăng dầu, nhà ở và vật liệu xây dựng) cao hơn khoảng 3-4% so với lạm phát tổng thể. Tuy nhiên, cơ quan này tính toán, nếu loại trừ yếu tố điều chỉnh giá dịch vụ, lạm phát lõi năm 2012 chỉ ở mức dưới 10% và lạm phát tổng thể 2012 cũng ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức 6,81%. Bên cạnh yếu tố chính sách, sở dĩ năm nay lạm phát xuống thấp là do giá lương thực thực phẩm giảm mạnh. Tính theo tháng, chỉ số giá của nhóm này đã liên tục giảm từ tháng 3 cho đến tháng 8 và tiếp tục giảm trong tháng 12/2012. Như vậy, chỉ số giá lương thực thực phẩm đã có 8 tháng giảm trong năm 2012. |
Bích Diệp