Đấu giá nhà khách Chính phủ
Bộ Tài chính đồng ý cho bán đấu giá quyền sử dụng đất “khu đất vàng” số 1 Lý Thái Tổ (quận 10, TPHCM - hiện là nhà khách Chính phủ). Sau khi bán đấu giá, đơn vị chủ quản sẽ có tiền, nhưng TPHCM sẽ mất đi nhiều thứ.
Các đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị các khâu cần thiết như giải phóng mặt bằng, di dời các cơ quan, đơn vị hiện hữu... để sớm đưa ra bán đấu giá khu đất.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đồng ý với đề xuất của Bộ Ngoại giao về phương án bán đấu giá quyền sử dụng lô đất trên để có kinh phí đầu tư xây dựng những dự án trọng điểm khác của Bộ Ngoại giao.
Bán hay bảo tồn?
Phần lớn đất còn lại là vườn cây cổ thụ có tuổi đời trên dưới 50 năm và sân vườn trồng các loại hoa, cây cảnh. Một phần lô đất và một biệt thự quay ra đường Lý Thái Tổ đang được cho thuê để kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, một diện tích khác được xây thành sân quần vợt.
Theo quy hoạch của quận 10, khu đất này là nhà công vụ thấp tầng. Do vậy, trong quá trình góp ý xây dựng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thời gian qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên khai thác tối đa lợi thế kinh tế của khu đất. Có thể cho xây dựng nơi đây trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp cao tầng, với mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cao để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất. Dự kiến giá trị khu đất khi đem ra đấu giá sẽ lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến ngược lại cho rằng đây là một cụm biệt thự cũ, có giá trị bảo tồn về mặt kiến trúc, không nên phá bỏ để xây dựng mới.
Kinh doanh khách sạn 5 sao thay vì xây cao ốc?
UBND TP đã yêu cầu Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP cùng Trung tâm Khoa học xã hội nhân văn thu thập tư liệu để phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đô thị.
Theo TS.KTS Lê Quang Ninh, các biệt thự trong khu đất được xây dựng theo lối kiến trúc nhà riêng lẻ khá tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển kiến trúc của Sài Gòn trước năm 1975. Quan trọng nhất là không gian bao trùm biệt thự mang tính cách của một giai đoạn lịch sử, cần phát huy giá trị sử dụng nhưng không được thay đổi cấu trúc. Nếu các biệt thự này xuống cấp thì phải sửa chữa.
Ngoài ra, cụm biệt thự, cây xanh này nằm trong quần thể mảng xanh nối từ các trường ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học tự nhiên sang Trường Lê Hồng Phong phía quận 5, tiếp nối công viên Âu Lạc đến khu biệt thự Lý Thái Tổ. Nguyên trước đây địa điểm này thường được dùng để đón các đoàn khách ngoại giao cao cấp của Nhà nước và TPHCM.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng khẳng định nên giữ nguyên kết cấu nhà biệt thự thấp tầng, nhiều cây xanh cho lô đất trên mà không nên xây dựng cao ốc, nhà cao tầng.
Ông Đầu phân tích: khu đất này là một bộ phận nối tiếp của một dải mảng xanh và nhà thấp tầng của TPHCM từ Thị Nghè (Thảo cầm viên) qua đường Lê Duẩn, đến dinh Độc Lập, dọc theo đường Nguyễn Thị Minh Khai sang đường Lý Thái Tổ.
Đây là mảng xanh được quy hoạch nương theo thế thuận của địa lý tự nhiên, có ý nghĩa đặc biệt đối với TPHCM về mặt địa lý lịch sử. Người Pháp quy hoạch Sài Gòn muốn thiết kế không gian TPHCM mở về hướng đông theo đúng phong tục phương Đông, dải cây xanh cộng với nhà thấp tầng kéo dài liên tục như trên nhằm lấy gió từ hướng biển vào sâu trong nội ô TP để thổi mát cho vùng dân cư giáp ranh Sài Gòn - Chợ Lớn.
Để phát huy giá trị sử dụng của lô đất, TS.KTS Lê Quang Ninh đưa ra kinh nghiệm: ở các nước, người ta sử dụng những cụm biệt thự có kiến trúc cũ cần bảo tồn làm khách sạn 5 sao phục vụ khách du lịch cao cấp. Nếu chuyển công năng của cụm biệt thự từ nhà khách thành khách sạn thì đô thị không mất gì mà còn thu được hiệu quả kinh doanh. Như vậy vừa phát huy được hiệu quả sử dụng của cụm công trình, vừa bảo tồn được nguyên vẹn kiến trúc.
Ông Nguyễn Thành Quy, một cán bộ hưu trí ngụ tại phường 1, quận 10, cũng nhất trí rằng Nhà nước không nên phá bỏ cụm biệt thự trên để xây cao ốc.
“Trong khuôn viên của khu đất và phía mặt đường Hùng Vương có rất nhiều cây xanh hàng chục năm tuổi. Nơi đây có thể xem là một lá phổi nhỏ của cả khu vực quận 10 vốn ít cây xanh và nhà cửa san sát. Nếu như UBND TP cho phá bỏ đi để xây cao ốc thì sau này có bạc tỉ cũng không thể tìm đâu ra một mảng xanh quý báu như vậy” - ông Quy nêu ý kiến.
Một kiến trúc sư đang công tác tại Sở Quy hoạch - kiến trúc TPHCM phát biểu với tư cách cá nhân cũng tán thành phương án phải giữ lại cụm biệt thự có kiến trúc cũ khá tiêu biểu này.
“TPHCM có thể bỏ tiền ra mua lại miếng đất này để giữ lại một cụm công trình kiến trúc cũ, có giá trị lịch sử, bên cạnh đó để bổ sung mảng xanh cho khu vực quận 10 và TPHCM” - ông nói.
Nơi đón tiếp, phục vụ các đoàn khách cao cấp Theo một số kiến trúc sư, cụm biệt thự số 1 Lý Thái Tổ được xây dựng theo kiến trúc sau thời kỳ Pháp thuộc, khoảng đầu thập niên 1950, có hướng cách tân theo kiến trúc mái bằng, mặt tiền đá rửa... Khi xây nhà, các kiến trúc sư người Pháp đã có biến tấu cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới như mỗi biệt thự đều có mái đón, bancông, sân thượng, hiên, vườn cảnh... Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khẳng định đây là một trong những lô đất của gia đình chú Hỏa, tức ông Hứa Bổn Hòa, một đại gia bất động sản thời Pháp ở Sài Gòn. Cụm biệt thự này do gia đình chú Hỏa xây để ở. Đường Lý Thái Tổ trước kia cũng mang tên Hứa Bổn Hòa. Nhiều người dân ở Sài Gòn trước năm 1975 khẳng định sau năm 1954 các căn biệt thự này dành cho Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến ở. Đến năm 1975, Bộ Ngoại giao tiếp quản và quản lý cho đến nay. Hiện nhà khách số 1 Lý Thái Tổ được giao nhiệm vụ đón tiếp, phục vụ ăn ở, sinh hoạt và làm việc cho các đoàn khách cấp cao của nước ngoài sang thăm chính thức hoặc thăm và làm việc ở nước ta; đồng thời phục vụ các cuộc hội đàm, ký kết, hội nghị, họp báo, tiếp khách, chiêu đãi và các hoạt động đối ngoại chính thức khác của Đảng và Nhà nước, của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do bộ trưởng hoặc cấp tương đương trở lên chủ trì. |
Theo D.Ngọc Hà
Tuổi trẻ