Đau điếng khi "nhắm mắt" làm ăn với nước ngoài
Sự nhiệt tình vô điều kiện với nước ngoài, thể hiện ở việc không quan tâm và thiếu hiểu biết về hệ thống luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế và các nước mà chúng ta tham gia đã đẩy DN trong nước vào hoàn cảnh trớ trêu.
"Chẳng có cái gì cho không"
Bên cạnh các yếu tố khách quan, như điều kiện kinh tế và chính sách còn nhiều eo hẹp, khó khăn trong đầu tư ra nước ngoài, ví như luật định, khó vay vốn trực tiếp từ các ngân hàng trong nước..., ông Hải đúc kết, nguyên nhân chính dẫn đến sự thua thiệt, bị qua mặt, lừa đảo của doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với nước ngoài lại xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan.
Dẫn chứng bài học "đau thương" từ việc một tổng công ty lớn của Việt Nam mua dây chuyền sản xuất ôtô từ Hàn Quốc, ông Hải kể rằng, vì quá vui mừng vì khi đấu thầu mua dây chuyền, doanh nghiệp trong nước nhận được mức giá chào rẻ bằng một nửa so với các doanh nghiệp khác. Khi đó, bất chấp cảnh báo của nhà tư vấn là cần chú ý đưa điều khoản chuyển giao công nghệ vào hợp đồng, doanh nghiệp vẫn "nhắm mắt" ký kết.
Bán xong dây chuyền về Việt Nam, phía nước ngoài nói chuyển công nghệ để họ vận hành. Không có à, họ bán cho. Nhưng, nếu muốn mua công nghệ thì phải trả cái giá lớn hơn cả phần cứng của nhà máy. Khi ấy, dây chuyền mà Hàn Quốc bán cho Việt Nam chỉ 13 triệu USD, còn giá công nghệ trội lên 20 triệu USD. Bởi quá ham "phần xác" giá hời mà tổng công ty lớn này đã nhận một vố rất đau.
Một ví dụ khác cũng cho thấy, trong kinh doanh không có gì là cho không. Ông Hải cho hay, cách đây 5 năm, một công ty có dự án bất động sản lớn hỏi ý kiến ông về việc một số người giới thiệu rằng, có quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng xuất 4.000 tỷ đồng đầu tư. Họ để tiền mặt ngay tại Việt Nam. Bằng kinh nghiệm "không ở đâu vay được tiền một cách dễ dãi", nhìn sơ qua, ông Hải khuyên, đơn vị trong nước nên cẩn thận.
"Sau khi tôi cảnh báo thì quả thật, tất cả các phi vụ đó đều là lừa đảo cả". Vị luật sư chỉ ra, họ sẽ nhử mình để muốn vay khoản tiền này, đề nghị chuyển tiền vào một tài khoản nào đó để giải quyết các vấn đề, thủ tục hành chính đơn giản.
Doanh nghiệp trong nước sẽ thấy tất cả các văn bản cam kết cho vay đều có chữ ký đỏ chót của các định chế tài chính và các cơ quan quan trọng nhất của Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng tất cả đều là đồ giả, nhìn như thật, và một khi ta sập bẫy chuyển tiền sang cho họ, thì sẽ không tìm thấy họ ở đâu nữa.
Mơ tưởng về một "người khổng lồ"
Các ví dụ điển hình trên chỉ là một số trong rất nhiều phi vụ làm ăn thua thiệt khác của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, mà lý do, theo ông Hải, ngay trong giai đoạn mở cửa, doanh nghiệp Việt cũng không có văn hóa sử dụng luật sư, tư vấn, trả tiền phí luật sư.
Thực tế đó, cùng với hệ thống pháp luật kém, hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào các mối quan hệ chồng chéo, dựa trên các ảnh hưởng trục lợi, chứ không chú trọng nghiên cứu, thực thi một cách nghiêm túc các vấn đề thực tiễn quốc tế, dẫn tới xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc.
Ở góc độ tư vấn, "chỉ cần một điều khoản nhỏ, mặc dù cái đấy luật sư có thể không tạo ra tiền cho doanh nghiệp định lượng ngay một cách cụ thể, nhưng có thể chống rủi ro cho các giao dịch có thể lớn đến hàng chục triệu đôla" - ông Hải nói.
Một điểm nữa mà các doanh nghiệp Việt Nam thường khó khăn đó là việc thẩm định tư cách pháp lý, tài chính của đối tác cũng như đại diện đối tác. Doanh nghiệp trong nước cứ thấy công ty nước ngoài rót vốn là phấn khởi và hợp tác. Đâu biết rằng, ở Mỹ và Anh có các vùng, khu vực ưu đãi về thuế - nơi các cơ chế pháp lý lỏng lẻo và có các tổ chức chuyên kinh doanh dịch vụ làm đại diện.
Muốn xác định các công ty đó khỏe hay yếu thì thường chúng ta căn cứ vào công ty bố mẹ của chúng. Ở đây, rất dễ rơi vào lầm tưởng, rằng ta đang chơi với một người khổng lổ; nhưng bản chất người chơi và ký kết với chúng ta, nếu thắng lợi thì đó là con người khổng lồ, còn nếu thất bại thì nó sẽ biến mất trên bản đồ.
Do vậy, không có các tổ chức luật pháp ở chính quốc thì không thể biết năng lực tài chính, pháp lý, cũng như nhiều vấn đề khác - ông Hải phân tích.
Sự nhiệt tình vô điều kiện với nước ngoài, thể hiện ở việc không quan tâm và thiếu hiểu biết về hệ thống luật pháp Việt Nam cũng như hệ thống luật pháp quốc tế, các định chế của các quốc gia mà chúng ta tham gia đã đẩy doanh nghiệp trong nước vào hoàn cảnh trớ trêu, không biết đường tránh rủi ro và tận dụng cơ hội, đặc biệt là các quy định về sở hữu trí tuệ và quyền về quản lý tài sản.
Đặc biệt, chúng ta thường thiếu kinh nghiệm, không quan tâm đúng mức trong khâu lựa chọn, đàm phán trong quá trình luật pháp áp dụng cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp trong nước. Đây là điều càng đáng chê trách, bởi phần này có ý nghĩa quyết định chúng ta sẽ thua hay thắng.
"Nếu ở một diễn đàn mà chúng ta hoàn toàn mất kiểm soát thì các đối thủ mạnh sẽ giải quyết vấn đề theo một chiều hướng ngặt nghèo và rất quyết liệt, được bảo trợ bởi các chính sách và pháp luật của nước họ" - ông Hải chia sẻ.
Mới chỉ nhìn gần
Chia sẻ với quan điểm của luật sư Đỗ Trọng Hải, TS. Bùi Tùng, Giảng viên Đại học Tổng hợp Hawaii tại Mỹ, nhìn nhận, việc doanh nghiệp không đánh giá được chính xác về thông tin, luôn nghĩ thông tin được đưa ra là miễn phí không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà cả Đông Nam Á.
Do đó, đa số công ty của các nước Á Đông từ Nhật, Trung Quốc đến Hàn Quốc cũng đều đã bị hớ và hứng chịu rủi ro lớn khi làm ăn với các công ty Bắc Mỹ và châu Âu.
Thương vụ mua lại dòng thương hiệu laptop Lenovo từ hãng IBM để sản xuất có lẽ là bài học nhớ đời đối với giới thương nhân Trung Quốc. Ông Bùi Tùng cho hay, cách đó hơn chục năm, hãng IBM của Mỹ đã hiểu rõ muốn đạt lợi nhuận cao thì phải tập trung vào dịch vụ bán hàng, chứ không phải là sản xuất phần cứng. Chẳng hạn, một chiếc laptop họ bán ra với giá 1.000 USD, thì lợi nhuận chỉ từ 30-50 USD.
Vì thế, các công ty công nghệ cao của Mỹ chuyển hết sang làm dịch vụ và họ bán "tống" đi một số đơn vị laptop hết thời. Trung Quốc nghĩ đây là cơ hội nhảy vào và mua đúng phải đơn vị ít lãi suất nhất của IBM. Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng đã mua lại thương hiệu điện thoại Siemens của Đức, trong khi Đức biết rằng lãi suất nằm nhiều ở dịch vụ bán thông tin viễn thông chứ không phải là sản xuất điện thoại di động.
"Vấn đề thông tin nghiên cứu thị trường là rất quan trọng. Các doanh nhân nên đầu tư vào nghiên cứu thị trường một cách chặt chẽ khi chúng ta nhảy vào một thị trường mà chúng ta không biết rõ" - ông Bùi Tùng khuyên.
Thực tế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam hiện cho thấy, chúng ta mới chỉ tập trung làm ăn ở các nước lân cận, kém phát triển hơn như Campuchia, Lào, Cuba, Nam Phi,... còn sang các nước phát triển như Mỹ, thì mức độ rất hữu hạn về số lượng cũng như tính chất hoạt động.
Đứng ở góc độ hiệu quả kinh tế, chuyên gia Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, đánh giá, cơ hội đầu tư vào Mỹ là rất hấp dẫn. Đầu tiên cần phải nhớ rằng, chơi với Mỹ thì không nhất thiết là Mỹ, mà là chơi với trung gian của Mỹ.
Ông diễn giải, nếu nhìn vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam thì Mỹ không phải là lớn nhất, nhưng nếu nhìn trong vài năm gần đây, đầu tư vào Việt Nam thông qua các trung gian như Singapore, Đài Loan, thì Mỹ là số một.
Trong bối cảnh vĩ mô là đồng đôla Mỹ còn giữ vai trò thống trị trong dài hạn, hơn nữa hiện có rất nhiều quỹ đầu tư tư nhân với số vốn khoảng 300-500 triệu đô, nhất là nước Mỹ hiện đang nới lỏng chính sách tiền tệ khá nhiều. Phương thức của họ chủ yếu tập trung tìm mua cổ phần của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để cùng tham gia quản lý, nâng đỡ. Đây là dòng vốn hữu hiệu và cần khuyến khích vì nó tham gia vào nền kinh tế thực.
TS. Bùi Tùng bổ sung thêm, thay vì đầu tư vào các nước lân cận, việc hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp ở thị trường Mỹ, ngoài lý do kiếm ra tiền, còn có ý nghĩa là cơ hội đầu tư vào những ý tưởng sáng tạo; đầu tư vào việc học cách làm việc, cách tổ chức chuyên nghiệp và minh bạch; và thứ ba là chúng ta học được cách thương lượng, nghiên cứu thị trường sâu hơn.
"Những luận điểm đó quan trọng hơn 10-40% lợi nhuận mà chúng ta kiếm được" - ông Tùng đưa ra một cái nhìn dài hạn.
TheoNguyễn Nga
VEF