Bến Tre:

Đắt như... nước ngọt

(Dân trí) - Tại các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, nước ngọt khan hiếm nên giá rất đắt. Một số vùng, chi phí sử dụng nước ngọt còn đắt hơn cả tiền đong gạo của gia đình nên nhiều người dùng rất dè sẻn để tiết kiệm.

Tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre) khi mưa tạnh là xung quanh toàn nước mặn, có nơi sông rạch khô hạn nên nhiều người ví von nước quý như… vàng. Những gia đình khá giả thì xây hồ chứa nước mưa bằng xi măng có khi chiếm diện tích còn hơn cả căn nhà đang ở. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có hàng chục triệu đồng để xây hồ chứa nước nên phần lớn phải xài rất dè sẻn vì giá nước rất đắt đỏ.

Mỗi xe nước ngọt có giá từ 150 đến 300 ngàn đồng. 

Ông Trần Minh Thành (ngụ xã Bình Thới, Bình Đại) cho biết: “Ở các đô thị giá nước vài ngàn một m3, còn ở đây giá lên đến mấy chục ngàn nên ai cũng phải xài nước rất tiết kiệm. Một số người chỉ tắm nước mặn sau đó xối lại 1 ít nước ngọt để khỏi phải bị đóng muối trên da. Chuyện xài nước ngọt xả láng là điều rất xa xỉ đối với nơi này”. 

Theo ông Thành, tối thiểu 1 tháng 1 người xài phải 1 m3 dùng cho tắm, giặt, nấu ăn nên chi phí tiền nước còn cao hơn nhiều so với tiền ăn gạo.

Nước vừa mặn, vừa khô hạn nên dân không có nước sử dụng.
Nước vừa mặn, vừa khô hạn nên dân không có nước sử dụng.

Do giá nước đắt đỏ, người dân tìm mọi cách để tiết kiệm vì xài nước đồng nghĩa với việc tốn nhiều tiền. Bà Trần Thị Hạnh (ngụ xã Bình Thắng, Bình Đại) cho biết: “Nhà tôi có 4 người nhưng mỗi tháng xài tiết kiệm lắm cũng 2 xe (xe công nông chở theo bồn chứa 2m3 - PV) nên phải tiết kiệm nước”. Theo bà Hạnh, nhiều hộ dân nghĩ ra cách xài nước hết sức tiết kiệm như: rửa mặt phải dùng thau hứng lại để tưới cây xanh; nước vo cơm, nước rửa rau cũng lấy lại để cho gia súc, gia cầm uống…

Một số gia đình xây hồ bằng xi măng để chứa nước mưa sử dụng trong mùa khô.
Một số gia đình xây hồ bằng xi măng để chứa nước mưa sử dụng trong mùa khô.

Ông Trần Văn Bảy, Bí thư chi bộ ấp 6 (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại) cho biết: “Do vùng đất này sát bên biển nên chỉ cần dứt cơn mưa là bà con thiếu nước ngọt sử dụng. Mấy năm trước có công ty tư nhân đầu tư kéo đường ống cho bà con xài nhưng chỉ một thời gian nước bị mặn nên không ai xài nữa”. 

Theo ông Bảy, hiện tại bà con phải mua nước ngọt với giá bình quân 150.000 đồng/xe (2 m3), có những nơi đường xa, khó vận chuyển giá nước bị đẩy lên tới 300.000 đồng/xe. Tuy nhiên, người dân ở đây rất lo ngại là hầu hết những xe công nông lấy nước bán cho dân đều khoan nước ngầm, chất lượng chưa đảm bảo và lâu dài mực nước ngầm sụt giảm ảnh hưởng tới môi trường, khô hạn càng gay gắt hơn.

Nước rửa rau được hứng lại để tưới cây, cho gia súc uống.
Nước rửa rau được hứng lại để tưới cây, cho gia súc uống.

Tại xã ven biển Thạnh Phước (Bình Đại) năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô. Hiện toàn xã có 2.500 hộ nhưng có đến hơn 1.000 hộ thiếu nước ngọt sử dụng. 

Ông Phạm Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết: “Tình hình thiếu nước ngọt đã bớt gay gắt hơn những năm trước, kể từ khi có đường ống từ nhà máy nước Ba Lai (huyện Ba Tri) kéo sang. Hầu hết những hộ dân mua nước ngọt sử dụng đều ở vùng sâu, khu ít dân cư do chưa có đường ống kéo tới”. Theo ông Sang,  địa phương có dự án xây dựng nhà máy nước, có mặt bằng, xin chủ trương xong nhưng đang tìm kiếm nhà đầu tư để xây dựng.

Nhiều hộ dân sử dụng nước rất dè sẻn.
Nhiều hộ dân sử dụng nước rất dè sẻn.

Vào mùa khô, hàng ngàn hộ dân ven biển tỉnh Bến Tre thiếu nước ngọt sử dụng. Điều khó tin là giá nước lại cao đến mức “khủng khiếp” nên nhiều người phải xài tiết kiệm đến từng giọt để chờ mùa mưa đến.

Minh Giang
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”