Bến Tre:
1m3 nước ngọt có giá hơn 10 kg gạo
(Dân trí) - Nước mặn xâm nhập vào nội đồng nên nguồn nước ngọt ở các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre) trở nên khan hiếm. Trung bình người dân phải mua nước ngọt với giá từ 70.000 đến 150.000 đồng/m3 (hơn 10 kg gạo) nên phải xài rất dè xẻn.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Hơn 1 tháng nay, gia đình ông Nguyễn Khắc Hiếu, ngụ ấp 3 (Thạnh Phước, Bình Đại) phải mua nước sạch với giá 70.000 đồng/m3 vì nguồn nước ở kênh rạch đã mặn không sử dụng được. Do ở vùng nước mặn nên mấy năm trước gia đình ông Hiếu đã đầu tư 20 triệu đồng để xây 10 hồ chứa nước bằng xi măng, mỗi hồ chứa khoảng 2 m3 nước.
Trong mùa mưa gia đình ông hứng nước mưa trữ lại để sử dụng trong việc nấu ăn, uống suốt năm. Tới mùa nước mặn buộc phải mua nước từ các xe công nông để sử dụng cho việc tắm, giặt, rửa chén.
Ông Hiếu cho biết: “Nói là nước sạch chứ thật ra chỉ là nước lấy từ giếng khoan hoặc giếng đào ở đất giồng cát chỉ hơi ngọt và chỉ dùng cho việc tắm, giặt chứ không thể nấu ăn được. Mùa này gia đình xài rất dè xẻn thì hơn nửa tháng cũng hết 1 xe bồn với 2 m3 nước”.
Theo ông Hiếu, giá nước tăng hay giảm tùy theo đoạn đường vận chuyển xa hay gần. Một số hộ dân ở vùng xa phải mua nước với giá lên tới 150.000 đồng/m3.Dân nghèo ở vùng ven biển phải “bấm bụng” xài nước với giá đắt đỏ gấp mấy chục lần so với ở các thành phố lớn.
Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ ấp 4 (Bình Thới, Bình Đại) cho biết: “Ở vùng này dân nghèo khó nhưng 1 khối nước đổi hơn 10 kg gạo nên người ta xài rất tiết kiệm. Tuy nhiên, gia đình nào cũng phải mua nước vì không mua không biết lấy gì để xài”.
Ở các huyện ven biển như Ba Tri, Thạnh Phú tình hình cũng tương tự khi giá nước ngọt khá cao.
Những ngày này đi dọc các con đường tỉnh lộ, huyện lộ sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc xe công nông chở bồn chức nước cung ứng cho các hộ dân có nhu cầu. Hằng ngày ông Nguyễn Văn Tèo ngụ ấp 4 (Tân Xuân, Ba Tri) dùng chiếc xe công nông có lắp bồn chứa khoảng 2 m3 nước bán cho các hộ dân ở trong xã.
Ông Tèo cho biết: “Gia đình tôi đầu tư giếng khoan để tới mùa nước mặn bơm lên cung ứng cho các hộ dân xài. Giá nước trung bình khoảng 70.000 đến 100.000 đồng/m3, cá biệt có hộ ở xa giá lên tới 150.000 đồng/m3 vì vận chuyển tốn nhiều nhiên liệu, công sức”. Gia đình ông Tèo là một trong số khá nhiều hộ dân ở ven biển kinh doanh nước ngọt trong mùa khô, khi nước biển xâm nhập vào các con kênh.
Tại xã ven biển Thạnh Phước, huyện Bình Đại tình trạng thiếu nước ngọt khá gay gắt trong mùa khô đã tái diễn nhiều năm nay. Hiện tại toàn xã Thạnh Phước có 1.700 hộ thiếu nước ngọt sử dụng. Đa số các hộ dân đều mua nước ngọt với gia cao. Một số hộ nghèo, không có tiền thì dùng can nhựa đến các giếng nước ở khu giồng cát hay ở các gia đình có khoan giếng ngầm để xin nước về sử dụng.
Ông Phạm Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết: “Năm nào cũng vậy tới mùa khô người dân phải mua nước ngọt để sử dụng. Mấy năm gần đây toàn xã có khoảng 800 hộ dân sử dụng nước thô từ nhà máy nước Ba Lai, huyện Ba Tri kéo sang nhưng cũng chỉ những hộ ở các tuyến đường chính. Để đảm bảo nước sạch cho người dân sử dụng địa phương có dự án xây dựng nhà máy nước, có mặt bằng, xin chủ trương xong nhưng đang tìm kiếm nhà đầu tư để xây dựng”. Trong thời gian chờ có nhà máy nước sạch, người dân đang phải mua nước với giá cao. Trung bình 1 nhân khẩu 1 tháng nếu xài tiết kiệm cũng phải 1 m3 nước với giá hơn 10 kg gạo. Giải pháp của những hộ dân nghèo vùng ven biển là tiết kiệm đến mức tối đa việc sử dụng nước ngọt trong mùa khô.