Đặt giàn khoan trái phép phương hại tới lợi ích kinh tế của chính Trung Quốc
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa đường biển, đặc biệt là những tuyến hàng hải từ khu vực TP.HCM đi về phía Bắc Á.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Ông Hiệp cho biết, Hiệp hội VLA phản đối sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc rút ngay không điều kiện.
Theo thống kê, trong 39 tuyến đường hàng hải hiện đang hoạt động trên thế giới, thì có 29 tuyến đi qua địa phận biển Đông. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 150 - 300 lượt tàu biển vận chuyển qua biển Đông. Trong đó có khoảng 50% là tàu trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.
Tổng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển qua khu vực này chiếm khoảng 50% hàng hóa của thế giới. Cơ cấu hàng hóa vận chuyển giai đoạn 2000-2009, dầu mỏ chiếm 33-36%, hàng chủ đạo 21-27% và hàng khô 39-42%. Đồng thời, biển Đông còn đóng vai trò then chốt trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một khi có xung đột xảy ra, dù ở mức độ nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường vận tải hàng hóa và cả hành khách qua khu vực này, thu hẹp đường vận tải biển quốc tế, gây hoang mang cho các hãng tàu biển. Về lâu dài, các nhà vận tải, doanh nghiệp sẽ phải tính đến phương án lưu thông hàng hóa qua cung đường khác để tránh những rủi ro, đảm bảo an toàn cho hàng hóa, cũng như không làm gián đoạn chuỗi cung ứng logistics cho dù chi phí có thể phát sinh cao hơn.
Ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh: “Có thể nói, hành động gây căng thẳng của Trung Quốc đang làm phương hại đến quá trình phát triển kinh tế, giao lưu thương mại, xuất nhập khẩu của các nước láng giềng và cả thế giới, trong đó có chính họ”.
Theo P.V.N