Đặt cược vào “ván bài” Trung Quốc, đại gia thuỷ sản toan tính gì?
(Dân trí) - Tăng giá phi mã trong vòng 1 năm qua, song phiên 26/11, cổ phiếu ANV của Navico bất ngờ giảm kịch sàn ngay sau khi công ty này công bố thông tin đang định hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và loại bỏ khả năng tác động của biến động giá nhân dân tệ đến thanh toán.
Đóng cửa phiên giao dịch 26/11, bất chấp chỉ có 142 mã tăng so với 153 mã giảm giá song chỉ số VN-Index vẫn đạt mức tăng khá 3,06 điểm tương ứng 0,33% lên 921,03 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,29 điểm tương ứng 0,28% còn 103,98 điểm với 70 mã giảm so với 54 mã tăng trên sàn Hà Nội.
Thanh khoản vẫn ở mức khiêm tốn 118,73 triệu cổ phiếu tương đương 3.606,12 tỷ đồng trên HSX và 29,87 triệu cổ phiếu tương đương 415,71 tỷ đồng trên HNX.
Mức tăng tại VN-Index chủ yếu là do sự bứt phá của VNM. Mã này tăng… đã góp vào mức tăng chung của chỉ số tới 2,77 điểm. Ngoài ra, chỉ số cũng nhận được sự đồng thuận của MSN, BHN, GTN…
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, SAB, VHC, ANV, ASM, IDI, VCF… lại là những mã có tác động tiêu cực lên chỉ số VN-Index.
Cổ phiếu ANV của Công ty CP Nam Việt (Navico) phiên hôm nay bất ngờ giảm kịch sàn mất tới 2.100 đồng (6,9%) còn 28.450 đồng. Cuối tuần trước, mã này cũng giảm 0,8% trong phiên giao dịch “Thứ Sáu đen”.
Tình trạng giảm giá tại ANV diễn ra bất chấp việc công ty này vừa công bố cập nhật tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 10 tháng với doanh thu xuất khẩu đạt 114,7 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 21,8 triệu USD, tương ứng chiếm 19%.
Navico cho biết, hiện tại công ty này đang định hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc do giá trị tiềm năng của thị trường này rất lớn và sẽ tập trung vào phân khúc sản phẩm chất lượng cao để tăng giá trị xuất khẩu.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Navico đã xuất khẩu 21,8 triệu USD qua thị trường Trung Quốc, đóng góp 19% vào tổng giá trị xuất khẩu của công ty. Nhu cầu của các khách hàng Trung Quốc rất lớn nhưng hiện tại Navico mới chỉ đáp ứng được 50%. Tuy vậy, theo Navico thì trong năm 2019, khả năng sản lượng cung cấp sang Trung Quốc sẽ tăng nhờ vào sự hoạt động trở lại của nhà máy Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, trước lo ngại của giới phân tích về sự tác động của biến động đồng nhân dân tệ tới vấn đề thanh toán, Navico cho biết, tất cả các hợp đồng với khách hàng Trung Quốc đều được ký trên đơn vị tiền tệ là USD và công ty sẽ nhận được khoản thanh toán của khách hàng cho các đơn hàng bằng USD. Do đó, sự dao động của đồng nhân dân tệ sẽ khó có ảnh hưởng đáng kể đối với kết quả kinh doanh của Navico.
Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Navico hiện đứng thứ 3 trong ngành cá tra về giá trị xuất khẩu với thị phần 5%, không đổi so với cuối năm 2017. Trong 9 tháng đầu năm công ty này đã hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và 123% kế hoạch lợi nhuận 2018 đã thông qua trong đại hội đồng cổ đông 2018.
Tuy có diễn biến bất lợi trong vài phiên trở lại đây, song nhìn chung, ANV vẫn đạt mức tăng mạnh hơn 21% trong vòng 1 tháng qua và mức tăng trong vòng 1 quý là hơn 50% và tăng tới 203% so với 1 năm trước. Chính vì vậy, việc ANV bị bán mạnh trong phiên giao dịch hôm nay có thể đơn thuần chỉ xuất phát từ hoạt động chốt lời của giới đầu tư.
Ngoài ANV thì một loạt mã cổ phiếu khác trong thuỷ sản cũng bị sụt giá: VHC giảm tới 5.100 đồng, MPC giảm 600 đồng, FMC giảm 700 đồng, ABT giảm 2.400 đồng, SNC giảm 2.000 đồng, CMX giảm 1.000 đồng, AGF giảm 300 đồng…
Mai Chi