TP.HCM:
Đào tạo lái xe hay bán giấy phép lấy tiền?
(Dân trí) - Nhan nhản các quảng cáo đào tạo bằng lái xe ô tô với những lời “có cánh” và “cam kết” thi đậu 99% khiến dư luận không khỏi lo ngại về chất lượng đào tạo lái xe hay đây chỉ là hình thức kinh doanh vô trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận.
“Tỷ lệ thi đậu 99%, bao thi lại”
Thời gian gần đây, nhiều góc phố tại TP.HCM xuất hiện nhan nhản các quảng cáo về đào lại lái xe ô tô với những lời mời chào “không thể hấp dẫn hơn”. Chiều 22/4, tại một cột điện nằm ngay góc đường Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) có đến 3 tấm biển quảng cáo về đào tạo lái xe ô tô với nội dung: “Trung tâm đào tại lái xe ô tô, đào tạo 3 tháng, có xe đưa đón, giờ học linh hoạt và đặc biệt “cam kết” tỷ lệ thi đậu 99%” và “Đào tạo lái ô tô uy tín chất lượng, học thi chỉ 3 tháng, học thử 100.000/h, giờ học tự chọn, đậu 99% - Bao thi lại”.
Liên hệ theo những số điện thoại để lại trên các tấm biển quảng cáo, chúng tôi được giới thiệu đến Trung tâm dạy nghề lái xe có trụ sở đóng tại quận Tân Bình. Tại đây, một số nhân viên cho biết, khóa học bằng lái ô tô du lịch tại cơ sở này thuộc vào hàng “siêu tốc, chất lượng cao, vào học là được ngồi vào xe ngay, 100% học viên của trung tâm đều đậu”. Điều khá bất ngờ, ngoài những lời quảng cáo “có cánh” được ghi trong biển quảng cáo treo tại nhiều góc đường, trung tâm này còn đưa ra các ưu đãi như học lái xe được một tua du lịch, tặng phiếu mua hàng giảm giá…
Tiếp tục liện hệ với số điện thoại trên tấm biển quảng cáo tại góc đường Thành Thái - Tô Hiến Thành (quận 10), chúng tôi được một phụ nữ tư vấn rất chi tiết: “Anh yên tâm, chỗ chúng em có đội ngũ rất chuyên nghiệp, giá rẻ nhất ở Sài Gòn, thời gian các anh tùy chọn. Nếu biết chạy xe rồi thì đến tập vài hôm, đóng tiền đầy đủ là có bằng thôi”. Theo lời của người tư vấn này, thì trung tâm đào tạo lái xe cũng thuộc dạng “siêu tốc” này nằm trên đường 3/2 (quận 10).
Cũng theo những thông tin thu thập được, chúng tôi tìm đến Trung tâm dạy nghề lái xe T.A. (đóng trên địa bàn quận 12), nhân viên hướng dẫn phòng tuyển sinh tên D. cho biết, trung tâm này có nhiều lớp đào tạo bằng lái các loại. Khi chúng tôi hỏi muốn đăng ký bằng B1 còn lớp nào “siêu tốc” không, nhân viên D. hướng dẫn: “Hiện còn một lớp chốt danh sách vào cuối tuần này, học phí đóng 9,2 triệu nhưng được tặng phiếu học tiếng Anh trị giá 500.000đ tại trung tâm Anh ngữ. Học viên đạt kết quả sát hạch cao nhất trong khóa học sẽ được tặng cặp nhẫn kim cương trị giá 10 triệu đồng”.
Tại bàn đăng ký kế bên, khi thấy một người đàn ông trung niên bày tỏ lo lắng về phần thi lý thuyết, một nhân viện tên Y. tư vấn: “Chú yên tâm, bài thi lý thuyết hiện nay là 405 câu trong 15 bộ đề. Chủ yếu là học bằng “mẹo” thôi. Chú cứ thấy câu nào có cụm từ “nồng độ cồn” thì chọn đáp án B, cụm “cảnh sát giao thông” thì chọn đáp án C...nếu chú biết lái xe rồi thì chỉ lo lý thuyết, thực hành mà chú bận nghỉ vài buổi cũng chả sao”.
Bùng phát cơ sở đào tạo lái xe ô tô
Qua tìm hiểu thực tế, năm 2010, TP.HCM có 38 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và xe gắn máy. Năm 2013 đã tăng lên 70 cơ sở, trong đó có 49 cơ sở đào tạo lái xe ô tô. Ngoài các chiêu thu hút học viên tại TP.HCM, các cơ sở đào tạo lái xe còn triển khai theo hình thức liên kết liên tỉnh. Mở rộng trung tâm đến các tỉnh thành khác nhau, nhiều cơ sở tổ chức đào tạo lái xe không đúng quy định của Bộ GTVT đã bị lập biên bản xử phạt hành chính.
Theo một cán bộ Cục Đường bộ, việc đào tạo và cấp giấy phép lái xe (GPLX) hiện nay vẫn còn những tồn tại như thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo chưa nghiêm; chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe chưa đồng đều, một số nơi chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các khóa học lái xe không chuyên nghiệp.
“Điều đáng nói, các trung tâm đào tạo còn tự ý liên kết tổ chức nhiều lớp học lái xe “siêu tốc” buộc phải tự ý cắt xén chương trình, giảm thời gian dạy nhưng vẫn cho học viên kiểm tra và lọt qua kỳ sát hạch. Chính vì vậy mà không thể đánh giá đúng khả năng thực sự của một học viên sau khóa học có đạt được yêu cầu hay không. Trong khi đó, nhiều các tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra mà nguyên nhân chính được xác định là do yếu tố con người. Chính vì vậy công tác đào tạo và cấp GPLX cần phải được siết chặt hơn nữa ngay từ đầu vào” - vị lãnh đạo này khẳng định.
Nhiều trung tâm đào tạo lái xe ô tô khi bị Thanh tra Bộ GTVT kiểm tra thì phát hiện các vi phạm chủ yếu là lỗi số phòng học, lượng xe thiếu và không đảm bảo tiêu chuẩn, học viên không tuân thủ chương trình học, bỏ môn, bỏ tiết. Theo ông Lâm Thành Trung, Phó trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX Sở GTVT TP.HCM, trong quý I/2013, Sở GTVT đã cấp trên 30.000 GPLX ô tô các loại. Đáng lưu ý là số người bị tước GPLX có thời hạn vẫn rất cao.
Cũng theo ông Trung, chỉ trong năm 2012 vừa qua, đã có khoảng 8.242 trường hợp. Con số này cho thấy, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện sau khi được cấp GPLX vẫn còn kém.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho rằng: “Công tác đào tạo lái xe hiện nay còn nhiều thiếu sót, dẫn đến ý thức đạo đức khi tham gia giao thông của nhiều tài xế rất kém. Nhiều vụ gây tai nạn xong, tài xế không tham gia cấp cứu nạn nhân mà bỏ trốn khỏi hiện trường”.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 851 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 133 người và bị thương 738 người. So với cùng kỳ năm 2012, dù giảm 240 số vụ TNGT, giảm 428 người bị thương nhưng số người chết tăng tới 35 người.
Trung Kiên