Quảng Trị:

Đánh bắt bấp bênh, nhiều chủ “tàu 67” rơi vào nợ xấu

(Dân trí) - Nhiều ngư dân vay vốn theo chủ trương Nghị định 67 để đóng tàu vỏ thép tại Quảng Trị do không trả được nợ đúng hạn đã rơi vào nhóm nợ xấu, một số người có nguy cơ bị ngân hàng khởi kiện.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ đã mang đến nhiều thay đổi lớn, góp phần hiện đại trong khai thác hải sản.

Nhưng, sau 4 năm thực hiện, với những kết quả mang lại dường như chưa đạt được kỳ vọng. Người dân mặc dù được tạo mọi điều kiện để nhận sự hỗ trợ ưu đãi tiếp cận nguồn vốn, song do nhiều nguyên nhân khiến việc đánh bắt không hiệu quả.

Ngư dân Hồ Văn Hoàn (ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh) là một trong 17 ngư dân nhận được vốn vay từ Nghị định 67 để đóng tàu vỏ thép khẳng định: “Được ra khơi trên con tàu hiện đại, trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ đánh bắt đã phần nào giúp chúng tôi yên tâm hoạt động trên biển. Việc chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu vỏ thép thực sự đã giúp cho việc đánh bắt thuận lợi và dễ dàng hơn”.

Càng vươn khơi, càng thua lỗ…

Trở về bờ sau gần 1 tháng đánh bắt trên biển, ngư dân Hoàn phấn khởi vì đánh được khoảng 50 tấn cá nục, bán được gần 400 triệu đồng. Đây cũng là chuyến biển ông nói là thành công trong năm nay. Ông Hoàn được đánh giá là một trong những ngư dân đánh bắt hiệu quả nhưng cũng không tránh khỏi áp lực trả nợ.

Ông Hoàn cho biết: Năm 2016, ông vay 19 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép, công suất máy 829CV. Năm đầu ra khơi do chưa quen thiết kế tàu vỏ thép, ngư lưới cụ chưa phù hợp, lại thêm hoạt động ở vùng biển mới nên lỗ vốn. Tàu của ông liên tục bị rách lưới, cuối năm phải tu bổ gần một tỷ đồng. Năm đó, ông trả nợ ngân hàng được 200 triệu đồng, trong khi khoản cam kết là 1,3 tỷ đồng cả lãi và gốc mỗi năm.

Đánh bắt bấp bênh, nhiều chủ “tàu 67” rơi vào nợ xấu - 1

Do nhiều nguyên nhân, những con tàu vỏ thép chưa phát huy hết hiệu quả.

Hai năm sau, việc đánh bắt đi vào ổn định, hải sản thu được khá hơn song ông Hoàn cũng chỉ trả tiếp được 850 triệu đồng. Đến nay khoản nợ xấu cộng lại gần 1,9 tỷ đồng cả gốc và lãi quá hạn.

Ông Hoàn nói rằng, để khai thác tàu vỏ thép tốn nhiều chi phí lớn, trong khi đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Tàu ông Hoàn có từ 16-18 thuyền viên, mặc dù đánh bắt có hoặc không thì mỗi tháng ông phải trả mức lương cơ bản cho các thuyền viên đi cùng 4 triệu đồng/người.

Ông Hoàn nhẩm tính, mỗi chuyến đi biển trở về bán được tầm 250 triệu đồng thì mới chỉ đủ chi phí, dưới con số này thì cầm chắc lỗ; tầm 300 triệu mới hy vọng có lãi.

Trong chuyến biển mới đây, ngư dân Trần Việt Hùng - cùng tổ đội đánh bắt xa bờ với ông Hoàn trở về bờ sau 20 ngày đánh bắt, thu được 280 triệu đồng. Trong khi đó, ngoài chi phí nhiên liệu hơn 150 triệu đồng, phải chi cho 19 thuyền viên mỗi người 4 triệu đồng.

Các chuyến trước đó, tàu ông Hùng chỉ thu 150-170 triệu đồng, chưa đủ bù chi phí.

Ông Hùng cho hay, tàu đóng năm 2016 hành nghề vây. Nhưng việc đánh bắt khá bấp bênh, toàn bị lỗ nên không có trả ngân hàng. “Trước đây, vay vốn dự kiến chỉ mất 7-8 năm là trả hết nợ, nhưng tình hình hiện nay chưa biết khi nào mới trả xong”, ông Hùng băn khoăn.

Vay 16,7 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ thép công suất 829 CV, từ khi hoạt động đến nay, ông Hùng chỉ trả ngân hàng được 700 triệu đồng, khoản nợ quá hạn là 2,1 tỷ đồng.

Ông Hùng nói, tàu hoạt động trên biển thì ngày càng xuống cấp, nhưng hải sản thu được không đủ trang trải chi phí nên không có vốn đầu tư sửa sang.

Nhiều ngư dân rơi vào nợ xấu

Thực hiện Nghị định 67, các ngân hàng tại Quảng Trị đã cho ngư dân vay gần 437 tỷ đồng để đóng mới một tàu dịch vụ hậu cần, 24 tàu đánh bắt (17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ).

Thời gian đầu vay vốn, hầu hết ngư dân đều trả nợ đúng hạn, nhưng càng về sau không có trả nợ, dẫn tới nợ xấu. Trong đó, riêng BIDV chi nhánh Quảng Trị cho vay trên 178 tỷ đồng, trong khi nợ xấu đã là 144 tỷ đồng. Đáng nói, trong 11 người tiếp cận được vốn vay chỉ có 1 ngư dân trả nợ đúng hạn, 10 chủ tàu còn lại bị nợ xấu và có nguy cơ bị khởi kiện.

Phía ngân hàng đã tiếp xúc với ngư dân để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, song vẫn chưa khả quan.

Đánh bắt bấp bênh, nhiều chủ “tàu 67” rơi vào nợ xấu - 2

Trong quá trình đánh bắt, ngư dân phải bỏ ra số tiền lớn để sắm ngư lưới cụ.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, vợ ông Nguyễn Văn Trọng (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh), gia đình bà được phê duyệt vay 14,5 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép. Năm đầu tiên vợ chồng bà trả nợ được 1,5 tỷ đồng, nhưng 2 năm nay chỉ trả được 400 triệu mỗi năm. Nợ quá hạn của gia đình bà là gần 1,9 tỷ đồng.

Trong khi chồng đang đánh bắt trên biển, bà Hương ở nhà thuê nhân công vá lại những tấm lưới bị rách khi đánh bắt.

Bà Hương cho hay, do nghề biển mấy năm nay bấp bênh, trong khi chi phí cho mỗi chuyến đi biển rất lớn nên không dư để trả nợ ngân hàng. Trong quá trình đánh bắt, ngoài những chi phí mua nhiên liệu, trả cho lao động, phải chịu rủi ro trong trường hợp bị mất lưới, hoặc bị các tàu khác kéo đứt. Hư hại nhẹ thì phải tốn vài chục triệu để may lại, còn mất lưới thì phải đầu tư lại với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển, ông Hồ Văn Hoàn nói rằng, để duy trì được hoạt động của tàu vỏ sắt phải tốn kinh phí gấp hàng chục lần tàu gỗ. Đầu tiên là chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến mất hơn 150 triệu đồng, số tiền thuê lao động. Sau đó là chi phí mua ngư lưới cụ, chi phí bảo dưỡng tàu thuyền cũng tốn hàng trăm triệu đồng.

Ông Hoàn lý giải nguyên nhân khiến nhiều ngư dân sở hữu tàu vỏ thép rơi vào khó khăn, nợ nần là do chi phí duy trì hoạt động lớn, giá nhiên liệu tăng cao. Trong khi đó, thị trường đầu ra hải sản không ổn định, giá cả xuống rất thấp.

Ông Hoàn nói rằng, giá hải sản năm nay xuống thấp, chỉ bằng một nửa, thậm chí giá chỉ còn 1/3 của năm trước, đẩy ngư dân rơi vào khó khăn.

Trước lo ngại nợ xấu, ngư dân Trần Việt Hùng chia sẻ, anh em chúng tôi đang cố gắng để duy trì hoạt động đánh bắt, nỗ lực trả nợ ngân hàng. Qua đó, mong các cơ quan chức trách và phía ngân hàng tính đến phương án giãn nợ, gia hạn nợ để giúp tháo gỡ vướng mắc cho ngư dân.

Đánh bắt bấp bênh, nhiều chủ “tàu 67” rơi vào nợ xấu - 3

Những con tàu hiện đại ra đời từ chủ trương Nghị định 67.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Quảng Trị cho biết, chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67 đã mang lại hiệu quả, tạo được sự đột phá trong khai thác hải sản, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo báo cáo của phía ngân hàng một số tàu cá hoạt động không hiệu quả, rơi vào nợ xấu. Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, do tài nguyên suy giảm dẫn đến sản lượng thấp, thị trường biến động, giá cả thấp...

“Chúng tôi rất quan tâm, trăn trở điều này, bởi trước đây đều mong muốn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân, tích cực động viên ngư dân vươn khơi hành nghề. Trước tình hình hiện nay, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu giúp bà con chuyển đổi ngư trường, chuyển nghề cho phù hợp. Nghiên cứu có chính sách, cơ chế cho vay, tính lãi, thời gian trả nợ cho phù hợp để giúp bà con ngư dân giảm áp lực”, ông Nam nói.

Đ. Đức