1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đang lúc "nước sôi lửa bỏng", sếp Angimex xin nghỉ việc… về chăm gia đình

Mai Chi

(Dân trí) - "Gia cảnh đơn chiếc, cần tập trung chăm lo cuộc sống gia đình" là lý do được ông Quách Tất Liệt nêu trong đơn xin nghỉ việc trình lên Ban lãnh đạo Angimex giữa lúc công ty này vật lộn với khó khăn.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - mã chứng khoán: AGM) vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn xin nghỉ việc của ông Quách Tất Liệt - Phó tổng giám đốc công ty.

Ông Huỳnh Thanh Tùng - Tổng giám đốc Angimex - cho biết, trong đơn xin nghỉ việc, ông Quách Tất Liệt nêu lý do "gia cảnh đơn chiếc, cần tập trung chăm lo cuộc sống gia đình".

Theo đó, ông Liệt xin nghỉ việc kể từ 1/7 hoặc thời gian sớm hơn theo quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT). Ông Huỳnh Thanh Tùng cho biết, công ty sẽ tiến hành các thủ tục có liên quan trình HĐQT để xem xét giải quyết đơn xin nghỉ việc của ông Liệt theo luật định.

Trong một diễn biến liên quan, Angimex cũng nhận được đơn từ nhiệm vị trí Thư ký công ty và Người phụ trách quản trị công ty của bà Phạm Nguyễn Thanh Xuân vì lý do cá nhân.

Đang lúc nước sôi lửa bỏng, sếp Angimex xin nghỉ việc… về chăm gia đình - 1

Cổ phiếu AGM của Angimex đã ở vùng đáy (Nguồn: Tradingview).

Tới đây, Angimex sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 vào ngày 29/6 để thông qua các vấn đề nhân sự cũng như kế hoạch kinh doanh cho thời gian sắp tới.

Trong tài liệu gửi cổ đông, lãnh đạo Angimex cho biết, ngay từ những tháng đầu năm 2022,hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ngoài việc chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng từ sau đại dịch Covid-19 còn xuất hiện sự kiện bất khả kháng liên quan đến nguyên Chủ tịch HĐQT (ông Đỗ Thành Nhân) xảy ra hồi tháng 4/2022 và nhiều biến động về cổ đông lớn dẫn đến loạt thay đổi trong bộ máy lãnh đạo và cơ cấu tổ chức.

"Năm 2022 được xem là giai đoạn khó khăn nhất mà Angimex đã phải trải qua trong suốt quá trình hoạt động và phát triển", lãnh đạo Angimex nhìn nhận. Cụ thể, trong năm ngoái, công ty này chỉ thực hiện được 88% kế hoạch doanh thu thuần, đạt 3.454 tỷ đồng. Đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng, nhưng công ty thậm chí thua lỗ hơn 138 tỷ đồng.

Công ty cho biết đã chi thù lao năm 2022 cho thành viên HĐQT là 373,5 triệu đồng và thư ký là 60 triệu đồng. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn nên thù lao năm 2022 của một số thành viên HĐQT và Ban kiểm soát vẫn chưa được chi.

Năm 2023, Angimex lên mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.001 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu 10 tỷ đồng so với số lỗ trước thuế hơn 138 tỷ đồng của năm trước. Dù vậy, kế hoạch này là thách thức khi mà mới quý I năm nay, công ty đã công bố lỗ hơn 16 tỷ đồng.

Do năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của Angimex không đem lại lợi nhuận nên HĐQT trình ĐHĐCĐ không thực hiện phân phối lợi nhuận cho năm 2022, đồng thời không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2021 theo nội dung trước đó ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã thông qua.

Bên cạnh đó, do tình hình tài chính còn rất khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh năm vừa qua thua lỗ, do đó HĐQT dự trình không chi trả cổ tức năm 2020 và không chi trả cổ tức năm 2021 đã thông qua tại các kỳ ĐHĐCĐ trước đó.

Tính đến nay, các khoản phải trả của Angimex là hơn 1.062 tỷ đồng gồm các khoản gốc trái phiếu, nợ ngân hàng và nợ các nhà cung cấp khác. Ngoài ra, Angimex còn phải chịu các khoản lãi vay ngân hàng, lãi vay trái phiếu, lãi thuê tài chính, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và các chi phí vận hành khác. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại ngày 31/3 là 3,4 lần, cao hơn mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất.

Với mục tiêu thanh toán dần các khoản nợ để từng bước vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng giám đốc Angimex đã trình kế hoạch thanh lý các tài sản bao gồm phần vốn góp tại một số doanh nghiệp, các kho đã dừng hoạt động (không còn máy móc thiết bị), các nhà máy đang hoạt động như nhà máy chế biến lúa gạo Bình Thành, nhà máy chế biến lúa gạo Đa Phước, nhà máy chế biến lương thực Angimex Đồng Tháp II, Nhà máy chế biến lương thực Angimex Đồng Tháp III và quyền sử dụng đất tại một số địa chỉ ở TPHCM và An Giang.

Phiên giao dịch cuối tuần (9/6), cổ phiếu AGM của Angimex giảm kịch biên độ trên sàn HoSE xuống còn 5.730 đồng/cổ phiếu, đánh mất hơn 81% so với đỉnh thiết lập hồi trung tuần tháng 8/2022. So với thời điểm này của 1 năm trước, AGM cũng đã mất hơn 80% thị giá.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm