Đăng kí kinh doanh ở Việt Nam lâu gấp 25 lần thế giới

Để hoàn thành một thủ tục đăng kí kinh doanh ở Việt Nam cần gần 50 ngày, trải qua 3 thủ tục chính và 6 thủ tục phát sinh đi kèm khác, với chi phí bằng 50% thu nhập bình quân đầu người.

Một con số khác xa với thế giới, chẳng hạn như tại Úc, chỉ mất  2 ngày/2 thủ tục, và 1,9 % thu nhập. Những con số đáng suy nghĩ của báo cáo toàn cầu về môi trường kinh doanh vừa được công bố.

 

Phức tạp và tốn kém

 

Theo Báo cáo, nhìn chung thủ tục thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn phức tạp và tốn kém cả về thời gian và chi phí do sự phối hợp chưa hiệu quả của các cơ quan chức năng liên quan.

 

Báo cáo toàn cầu về Môi trường kinh doanh 2006 của Công ty Tài chính quốc tế và Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy một nhà đầu tư chỉ mất 3 ngày qua 2 thủ tục với chi phí bằng 0,9% thu nhập hàng năm/người để thành lập một doanh nghiệp ở Canada, hay 2 ngày/2 thủ tục/1,9% thu nhập ở Australia.

 

Ở hai quốc gia cải cách nhất này, chủ doanh nghiệp chỉ cần trải qua 2 thủ tục: đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh (ĐKKD) và cơ quan thuế là có thể bắt đầu đi vào hoạt động.

 

Ông Nguyễn Đình Dương, Phó giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội:

 

Hiện nay, doanh nghiệp muốn ĐKKD thì phải đến cơ quan ĐKKD tìm hiểu, muốn khắc dấu phải đến cơ quan công an tìm hiểu, muốn đăng kí MST phải đến cơ quan thuế tìm hiểu, riêng quá trình tìm hiểu thủ tục này cũng tố thời gian đi lại cho doanh nghiệp.

 

Ba cơ quan nên phối hợp được với nhau để doanh nghiệp chỉ phải đến một nơi để được tư vấn về toàn bộ quy trình sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.

Trong vài tháng gần đây, khảo sát chi tiết về 3 quy trình thủ tục này được thực hiện ở một số tỉnh phía Bắc cũng cho thấy doanh nghiệp phải đi lại ít nhất 13 lần tới ba cơ quan, mới có thể hoàn thành được thủ tục đăng ký kinh doanh một cách hoàn thiện.

 

Ở cấp tỉnh, các cơ quan quản lí nhà nước chịu trách nhiệm chính đối với 3 lĩnh vực này là Sở kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Sở Công an. Doanh nghiệp vẫn rất bức xúc về việc quy trình đăng kí thành lập doanh nghiệp còn rời rạc và tình trạng các cơ quan chức năng chưa phối hợp và thông tin qua lại với nhau một cách hiệu quả. Hệ quả là:

 

Thứ nhất, doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị quá nhiều bộ hồ sơ và phải cung cấp rất nhiều thông tin lặp đi lặp lại cho các cơ quan khác nhau.

 

Thứ hai, doanh nghiệp không thể thực hiện nhiều thủ tục đồng thời với nhau mà phải thực hiện hết thủ tục này mới được làm thủ tục khác.

 

Thứ ba, mặc dầu đã có một số địa phương thử nghiệm việc hỗ trợ ĐKKD trực tuyến, nhưng hầu hết các thủ tục còn lại đều được thực hiện một cách thủ công tại trụ sở của cơ quan chức năng (như nộp hồ sơ gốc và kí tên tại cơ quan chức năng).

 

Do đó, không tránh khỏi tình trạng doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần các cơ quan chức năng khác nhau để tìm hiểu, thực hiện và lấy kết quả của từng thủ tục riêng lẻ.

 

Mô hình một cửa liên thông, bao giờ? Các chuyên gia cho rằng mô hình này áp dụng cho ba thủ tục ĐKKD, khắc dấu và đăng kí MST là tiền đề tốt để tiếp tục đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp.

 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lí nhà nước được coi là nhân tố chủ yếu để thực hiện được những cải cách đột phá trong lĩnh vực đăng kí và thành lập doanh nghiệp.

 

Một số sáng kiến trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp đã rất thành công ví dụ như :

 

Thứ nhất, tạo một cơ quan đầu mối để doanh nghiệp có thể thực hiện đăng kí thành lập doanh nghiệp (cho dù thủ tục ĐKDN có gồm bao nhiêu bước đi chăng nữa cũng là việc nội bộ của các cơ quan nhà nước với nhau).

 

Thứ hai, là sử dụng một bộ hồ sơ chuẩn để doanh nghiệp có thể cung cấp mọi thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng.

 

Thứ ba, cấp một mã số chung cho mỗi doanh nghiệp đăng kí thành lập (chẳng hạn như mã số đăng kí kinh doanh đồng thời là mã số thuế).

 

Thứ tư, ứng dụng CNTT để doanh nghiệp có thể đăng kí và theo dõi quá trình xử lí hồ sơ qua mạng, tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến quy trình, thủ tục trên mạng, tra cứu tên trên mạng...

 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn Giám đốc công ty Tư vấn Bizconsult trong một cuộc khảo sát gần đây đa số các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ nên xem xét hợp nhất mã số ĐKKD với MST để giảm bớt sự phức tạp cho doanh nghiệp.

 

Theo Xuân Danh

Báo Thanh niên