Đẳng cấp CEO Việt

Hiếm có năm nào đông đảo nhân tài đất Việt được lựa chọn làm CEO của các công ty nước ngoài tại Việt Nam như vậy. Có nơi "đã từng", nhưng cũng có nơi là "lần đầu tiên trong lịch sử công ty".

Chưa đủ để trở thành xu hướng nhưng lại đủ để năm mới, có thêm chút tự hào về trí tuệ Việt.

Những người làm thuê số 1

Hai ngày đầu tháng 7/2012, hai sự kiện liên tiếp gây chấn động làng công nghệ Việt Nam. Ngày mồng 1/7, Siemens Việt Nam công bố chính thức bổ nhiệm TS Phạm Thái Lai vào cương vị chủ tịch kiêm CEO, thay ông Erdal Elver. Đây là vị CEO người Việt đầu tiên trong lịch sử của Siemens Việt Nam và chỉ sau đó một ngày, ngày mồng 2/7, ông Vũ Minh Trí bất ngờ được bổ nhiệm làm CEO của Microsoft Việt Nam.

Trong khi đó, vào những ngày cuối cùng của năm 2012, Qualcomm đã đưa ông Thiều Phương Nam vào vị trí tổng giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia với cấp giám đốc cấp cao phụ trách phát triển kinh doanh khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Còn nếu quay trở lại trước thời điểm ngày mồng 1/7, thì cũng chỉ cách đó hơn một tháng, chính xác là ngày 16/5/2012, ông Phạm Thế Trường được lựa chọn làm CEO của SAP Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, SAP bổ nhiệm giám đốc điều hành người Việt, một dấu mốc quan trọng trong lộ trình tăng trưởng của SAP Việt Nam.

Và để có một sự kết nối hoàn hảo hơn về một năm "lên như diều gặp gió" của các CEO Việt Nam, thì những ngày đầu tháng 1/2013, lại có hai sự đổi thay mới: IBM đã thăng ông Tan Jee Toon lên làm CEO của hãng này ở Việt Nam, kế nhiệm ông Võ Tấn Long, người đã giữ chức CEO IBM từ tháng 11/2008. Không còn đảm nhiệm vị trí CEO của một hãng công nghệ hàng đầu thế giới tại Việt Nam, song ông Long lại được giao phụ trách các dự án đặc biệt của IBM ASEAN - sau những đóng góp đặc biệt của mình cho IBM Việt Nam trong vòng bốn năm qua.

Một sự kiện khác, đó là Lenovo cũng đã chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Sơn làm tổng giám đốc Lenovo Việt Nam. Trước khi đến Lenovo, ông Sơn đã từng giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các công ty IBM, Siemenes và gần đây nhất là Samsung.

Đúng là, nếu điểm lại, thì hiếm có năm nào đông đảo nhân tài đất Việt được lựa chọn làm CEO của các công ty nước ngoài tại Việt Nam như vậy. Tuy nhiên, đó không phải là "những người làm thuê số 1"... duy nhất ở Việt Nam. Nhiều năm trước đây, công chúng đã từng biết đến một Phạm Phú Ngọc Trai, với nhiều năm liền giữ cương vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo Đông Nam Á. Ông Trai, có thể nói, là một trong những người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Ông Thân Trọng Phúc

Ông Thân Trọng Phúc

Hay một Thân Trọng Phúc với gần 10 năm làm CEO của Intel Việt Nam. Ông Phúc quan trọng hơn, còn được biết đến là người có công đưa vụ án sản xuất chipset trị giá 1 tỷ USD của Intel về Việt Nam. Sau khi rời Intel, ông Phúc giữ cương vị CEO của quỹ đầu tư công nghệ DFJV, thuộc VinaCapital- một tập đoàn được lãnh đạo cũng bởi người Việt: Don Lam.

Trong khi đó, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rất nhiều người biết đến danh tiếng của bà Đàm Thu Thủy, 6 năm làm tổng giám đốc ngân hàng ANZ Việt Nam và hiện làm Phó chủ tịch ANZ tại khu vực Đông Dương,  thay bà Vũ My Lan - "nữ tướng" của Aon Việt Nam...

Rất nhiều những cái tên Việt như vậy. Và đã có một thời, dư luận luôn xì xào về mức lương khủng mà các vị CEO làm thuê này nhận được. Nhưng lương khủng không phải là lý do duy nhất khiến họ trở thành những người làm thuê số 1. Quan trọng nhất là vì, họ thực sự là những người Việt Nam ưu tú và họ được giao những trọng trách đặc biệt: chịu trách nhiệm về sự tăng trưởng và phát triển của những công ty hàng đầu đó ở Việt Nam, một nhiệm vụ mà không phải người Việt Nam nào cũng có thể đảm đương.

Đẳng cấp CEO

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Robet Bosch Việt Nam, cũng là một trong những người làm thuê số 1 ở Việt Nam. Nhưng ông khác hẳn đa phần những CEO Việt khác, đó là ông nắm giữ vị trí CEO ở một công ty sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao. Những người còn lại, hầu hết làm CEO phụ trách vấn đề kinh doanh và phát triển thị trường hơn là sản xuất. Cũng rất hiếm người làm được như ông Phúc, đó là góp công lớn mang một dự án tỷ USD về Việt Nam. Bởi vậy, ông Vũ Minh Trí khi nói về hai "đồng nghiệp" đáng kính này cũng đã phải thừa nhận là "nể anh Phúc, phục anh Huệ"

 

Ông Võ Quang Huệ

Ông Võ Quang Huệ

Nói vậy cũng có chút khiêm tốn, bỏi giới công nghệ đều biết, ông Trí là người đưa Yahoo! về Việt Nam và Vũ Minh Trí cũng là người đã kinh qua vị trí CEO của các "đại gia" Sony Erisson Việt Nam và Qualcomm Đông Dương. Dù ở công ty nào, Vũ Minh Trí cũng đều đạt được những thành tích đánh nể nhờ vào tài năng và sự quyết đoán của mình.

Ông Võ Quang Huệ, khi ông nói về thế hệ CEO Việt, cũng nhắc tới ông Phạm Thái Lai và ông Vũ Minh Trí. "Họ đều là những người rất giỏi", ông Huệ bảo thế và rằng ông rất vui bởi có thể "góp phần quảng bá" ra thế giới là người Việt Nam cũng có thể đảm nhận vị trí quan trọng như vậy.

Nhưng một cách thẳng thắn, ông Huệ bảo, thật khó để một người Việt 100%, tức là vừa sinh sống,vừa học tập ở Việt Nam, lại chưa có kinh qua thời gian làm việc tại các tập đoàn nước ngoài, có thể trở thành CEO của các công ty nước ngoài tại Việt Nam, đăc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Là người Việt là một lợi điểm, nhưng quan trọng nhất là, họ phải có tư duy toàn cầu hóa, nhiều kinh nghiệm và từng làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, kinh qua nhiều vị trí khác nhau.

Ngay như ông Huệ cũng từng 20 năm sinh sống và làm việc ở Đức. Ông Phạm Thái Lai tuy sinh ra tại Việt Nam, nhưng lớn lên và làm việc gần 30 năm ở châu Âu. Ông Thân Trọng Phúc, tất nhiên, được biết đến là một Việt kiều và trước khi về Intel Việt Nam, ông đã có 14 năm làm việc cho Intel Mỹ. Vũ Minh Trí thì đã vậy, dù học đại học ở Việt Nam, nhưng học sau đại học ở nước ngoài, và nhìn vào kinh nghiệm của ông, quả thực là đáng nể.

Phạm Thế Trường cũng thế, ông có kinh nghiệm 17 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có hơn 10 năm làm quản lý công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng và trước khi về với SAP, cũng đã làm việc cho một công ty phần mềm toàn cầu,với chức danh Phó Giám đốc Bán hàng công nghệ.

"Nhưng rồi đến một thời điểm nào đó, sẽ có những CEO thuần Việt. Tại sao không?", ông Huệ tự tin.

Còn ông Trí bảo rằng, ông thật tự hào vì hiện nay, Việt Nam đã có rất nhiều CEO năng động, tự tin và đầy hoài bão. "Tôi chắc rằng, không chỉ riêng tôi, mà tất cả chúng ta đều ấn tượng và vui mừng với những gì mà các CEO Việt Nam đã khẳng định tài năng và trí tuệ người Việt".

Đúng là những gì mà các CEO Việt Nam đã làm được, dù với tư cách là người làm thuê, thật đáng tự hào. Trí tuệ người Việt, hiền tài là ở đấy, chứ đâu xa!

Và câu hỏi "giá như"

Đã hơn nửa năm kể từ khi nhậm chức, trao đổi với chúng tôi, Vũ Minh Trí vẫn vẹn nguyên niềm vui khi được gia nhập Microsoft, dù ông không phải là CEO Việt đầu tiên của Microsoft Việt. "Với riêng tôi, đây vừa là niềm tự hào, vừa là cơ hội để tạo ra những dấu ấn tại Microsoft. Tôi mong muốn được góp sức lực của mình để dẫn dắt Microsoft Việt Nam tiếp tục tiến xa hơn nữa trên những thành tựu đã đạt được, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam", ông Trí nói. Và thậm chí còn nhắc đi nhắc lại về việc sẽ làm sao để luôn đảm bảo lợi ích của người Việt, của doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam.

Còn ông Trường, cũng rất vui mừng vì giờ đây, trên cương vị là CEO của SAP Việt Nam, ông sẽ có nhiều cơ hội sát cánh cùng các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ hoạt động hiệu quả hơn và trở nên vững mạnh hơn. "Thách thức và cũng là mục tiêu mà Tập đoàn SAP đặt ra cho tôi trên cương vị này không chỉ là tiếp tục viết tiếp câu chuyện thành công của SAP tại Việt Nam", ông Trường chia sẻ.

 

Ông Phạm Thái Lai

Ông Phạm Thái Lai

Trong khi đó, ông Phạm Thái Lai thẳng thắn: "Cùng với những đồng nghiệp của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết thành công những thách thức trên con đường trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020".

Và đương nhiên, với ông Huệ, là mong muốn mở rộng nhà máy Robert Bosch tại Đồng Nai, là kế hoạch xây dựng trung tâm R&D, để những người trẻ tuổi Việt có thể thỏa sức nghiên cứu và phát triển...

Nghĩa là, dù chỉ là "người làm thuê " ở các tập đoàn đa quốc gia, điều mà các CEO Việt mong muốn không chỉ là mang lại thành công cho ông chủ Tây, mà còn là đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Thực ra, không quan trọng là làm chủ hay làm thuê. Cũng không quá băn khoăn về việc các trí tuệ Việt đang góp sức cho doanh nghiệp nội hay ngoại. Bởi tất cả các doanh nghiệp đang đứng chân ở Việt Nam cũng đều hướng đến một trong những mục tiêu là mang lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam.

Hơn nữa, làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia cũng là để tài năng Việt có thể "thỏa chí tang bồng".

Nhưng vẫn còn những câu hỏi "giá như"... Giá như doanh nghiệp Việt đủ sức thuê nhân tài Việt; nạn chảy máu chất xám không xảy ra; nền giáo dục Việt đủ sức sánh ngang với khu vực và toàn cầu... thì khi ấy, trí tuệ Việt sẽ góp phần lớn lắm hun đúc nên một thế hệ doanh nhân dân tộc.

Chính họ, chứ không phải ai khác, sẽ đưa đất nước đi từ thành công này tới thành công khác trên chặng đường tiến lên công nghiệp hóa.

Theo Đầu tư