Dân nhậu Việt say mồi hóa chất

Tránh được hóa chất ở hàng cơm bụi thì dân nhậu cũng “say” mồi nhậu tẩm ướp hóa chất ở quán nhậu bình dân. Các món nhậu khoái khẩu của phần lớn cũng được “phù thủy” hóa chất chợ Kim Biên biến hóa thêm phần bắt mắt.

Hóa chất sôi trong nồi lẩu

 

Đối với dân nhậu tại TP.HCM, khi lên bàn nhậu thì món lẩu được xem là món phổ biến nhất vì vừa phục vụ số đông lại dễ ăn. Lượng bán nhiều nên việc sử dụng hóa chất để bảo quản cũng như chế biến các món lẩu là điều dễ hiểu.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP.HCM có hàng ngàn quán án, quán nhậu chuyên phục vụ món lẩu hải sản cho người có nhu cầu. Một trong những "thiên đường" lẩu hải sản có thể kể ra như: khu lẩu làng ĐHQG TP.HCM (quận Thủ Đức), đường Trần Não (quận 2), đường Lê Văn Việt (quận 9), đường Thành Thái (quận 10)... Tại đây, vào thời gian từ 17h30 đến 22h, các quán nườm nượp khách đến ăn lẩu hải sản. Mức giá một lẩu hải sản tại đây khá rẻ, dao động từ 60.000-120.000 đồng/nồi.

 

Với mức giá rẻ như vậy thì nguyên liệu cũng được nhập ở những nguồn rẻ tối đa, cụ thể là những vựa hải sản cung cấp hải sản chết và được hồi sinh bằng hóa chất.

 

Nhìn nổi lẩu bắt mắt như thế này ai biết rằng chúng đã được tẩm hóa chất? (ảnh minh họa)
Nhìn nổi lẩu bắt mắt như thế này ai biết rằng chúng đã được tẩm hóa chất? (ảnh minh họa)

 

Cụ thể, một số chủ vựa hải sản chợ Chánh Hưng, quận 8 tiết lộ, để giữ tôm tươi lâu, chủ hàng thường ngâm formaldehyde (chất bảo quản xác ướp) - một loại chất độc cấm sử dụng trong thực phẩm, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

 

Ngoài nguyên liệu chính thì hóa chất cũng được dùng để “làm đẹp” cho các loại rau ăn trong lẩu. Măng chua là thực phẩm “hấp thụ” nhiều hóa chất nhất vì đây là loại được sơ chế. Theo đúng quy trình, măng tươi sau khi thu hoạch sẽ được luộc kỹ qua nhiều lần nước, lửa phải đều và ngâm khoảng 2 ngày thì măng mới mềm, chua, ngon ngọt hết đắng.

 

Nhưng để giảm chi phí, giảm công luộc, người buôn măng đã sử dụng một loại hóa chất giúp măng chua ngon, giòn mềm và có thể để được đến 2 năm mà không lo thối và bán khi trái vụ. Giá bán hóa chất ngâm măng có giá 60.000 đồng/kg. Với 1 kg hóa chất có thể ngâm được vài tạ măng. Nhờ hóa chất, măng còn nở ra và nặng cân, dân buôn măng sẽ thu lãi khủng nhất là những tháng trái mùa măng tươi. Lượng hàng ra một phần ra chợ phần lớn vẫn bỏ sỉ về cho các quán nhậu bình dân

 

Đến các món phụ

 

Các món ăn xoay quanh lẩu cũng không thoát được việc sử dụng hóa chất tạo sự hấp dẫn, đặc biệt các món gỏi và món nướng. Khi quán nhậu đắt hàng thì việc chuẩn bị nguyên liệu chế biến cho nhiều ngày liền là việc cần thiết phải làm. Vì thế, các món gỏi thì càng ngon lại càng thấy sợ.

 

 

Đủ loại hóa chất được bày bán công khai tại chợ Kim Biên (TP.HCM) - ảnh Nam Phong
Đủ loại hóa chất được bày bán công khai tại chợ Kim Biên (TP.HCM) - ảnh Nam Phong

 

Một đầu bếp quán nhậu ở bờ sông đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp) cho biết: “Các nguyên liệu làm gỏi như ngó sen, hoa chuối, hành tây... chỉ giữ được độ trằng tự nhiên trong vòng một vài tiếng đồng hồ. Để dùng vài ngày đầu bếp nào cũng phải sử dụng hóa chất để đánh lừa thực khách".

 

Phần thân ngó sen sẽ được ngâm trong nước đã pha sẵn chất tẩy trắng khoảng 2 giờ. Lúc này, những cọng ngó sen nhìn trắng phau rất bắt mắt còn được nhúng vào xô nước chứa hàn the khoảng 2 giờ nữa để tạo độ giòn... Cứ tưởng như vậy là xong công đoạn ngâm tẩm, nhưng không phải. Cọng ngó sen tiếp tục ngâm trong formaldehyde để tránh bị úng thối, rồi ngâm trong đường và dấm hóa học cho thấm trước khi trữ lạnh. Với cách này, ngó sen có thể dùng dần cả tuần cũng không hư...

 

Các món gỏi cần giữ trắng thì các mòn nướng lại cần tạo mùi. Như vậy cũng chỉ có gia vị hóa chất làm nhiệm vụ này một cách hoàn hảo nhất. Các món nướng khoái khẩu của dân nhậu là vú dê nhiều khi lại có nguồn gốc từ vú heo.

 

Tiếp cận với đầu mối cung cấp “vú dê” ở đường Lũy Bán Bích, quận Bình Tân, chủ cơ sở cho biết: “Vú dê cũng tương tự vú heo, vú trâu, vú bò... nhưng có mùi vị đặc trưng của dê nên nhiều nhà hàng bơm thêm chất tạo mùi lên vú heo trước khi nướng. Để bảo quản ‘vú dê’ trong kho được lâu ngày mà không bị thâm đen, bốc mùi, phải dùng bột tẩy trắng (sodium hyposulfite) ngâm qua nước một lần. Nhu cầu của các quán nhậu bình dân về mặt hàng này lớn nên ‘vú dê’ được sản xuất theo cách đó, chứ vú dê thật đâu có nhều như vậy”.

 

Trong khi đó, các loại chân gà, gân bò cũng được “tạo dáng” hoàn chỉnh hơn. Nhìn đĩa chân gà ướp muối ớt nướng thơm phức, dĩa chân gà hấp hành trắng phau, dĩa gỏi chân gà trộn rau răm bắt mắt... thực khách khó mà biết rằng chúng đã được chế biến theo công nghệ “tắm trắng”.

 

Chẳng hạn, chân gà phần lớn là hàng nhập, lâu ngày tiêu thụ không hết lại bảo quản không đúng kỹ thuật nên dễ bị hư hỏng, biến chất.

 

Chủ một đầu mối chuyên cung cấp chân gà cho các chợ, quán nhậu ở quận 12 cho biết: “Các loại thịt này phải cấp đông liên tục để vận chuyển đến hàng tháng trời. Đến khi có mối kêu hàng, tụi tui phải dùng hóa chất để rã đông cấp tốc. Sau đó, đổ vào thùng để tẩy trắng phần xương bên trong, tủy xương của thịt gà đông lạnh bao giờ cũng bị đen, thâm kim, kể cả các lỗ chân lông trên da cũng thâm chân chim, sẽ được tẩy trắng luôn một thể”.

 

Sử dụng hóa chất vừa đẩy nhanh công đoạn chế biến, màu sắc bắt mắt lại vừa lưu giữ được qua nhiều ngày, không sợ thiu thối nên hầu hết các quán nhậu đều sử dụng hóa chất để “nâng tầm” đồ ăn. Chưa khi nào người dân lại phải đối phó với nhiều loại thực phẩm bẩn như hiện nay. Các món ăn từ khô đến ướt, từ mặn đến ngọt, từ đồ dầm cho đến đồ chín... đều là ẩn họa.

 

 
Theo Nam Phong

VEF