1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đan Mạch tiếp tục dẫn đầu về môi trường kinh doanh

(Dân trí) - Mặc dù kinh tế suy thoái, nhưng khu vực châu Ấu vẫn là “thủ phủ” có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới trong năm 2015. Đan Mạch tiếp tục đứng đầu danh sách các nước tốt nhất dành cho doanh nghiệp.

Trang Forbes vừa bình chọn Các nước có môi trường kinh doanh tốt nhất năm 2015, theo đó, có tới 2/3 trong số 25 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất thuộc về khu vực châu Âu.

Khảo sát này được thực hiện trên 144 quốc gia, căn cứ vào 11 tiêu chí như quyền sở hữu trí tuệ, phát minh, thuế, công nghệ, tham nhũng; tự do về cá nhân, thương mại và tiền tệ, hối lộ; bảo hộ đầu tư và thị trường chứng khoán.


Đan Mạch tiếp tục là quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới.

Đan Mạch tiếp tục là quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới.

Đây là năm thứ 6, Đan Mạch đứng đầu danh sách Các quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất kể từ khi Forbes ra danh sách này 10 năm nay.

Mặc dù có mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất thế giới nhưng Đan Mạch vẫn được đánh giá là nơi kinh doanh "béo bở" của các doanh nghiệp. Quốc gia này được đánh giá là có nền kinh tế theo định hướng thị trường tốt nhất; có uy tín về tự do tiền tệ và tỷ lệ tham nhũng thấp; môi trường pháp lý minh bạch và hiệu quả.

Nền kinh tế có GDP 341 tỷ USD này tăng trưởng 1,1% năm ngoái và tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay không có gì khả quan hơn. Điều này là do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Đan Mạch rất “sáng sủa”, tăng 34% trong năm qua, do những triển vọng về quốc gia này.

New Zealand tăng lên vị trí số 2. Quốc gia này đã từng đứng đầu danh sách vào năm 2012. Mặc dù GDP của nền kinh tế này chỉ 201 tỷ USD - nhỏ nhất trong top 10 quốc gia đứng đầu danh sách, nhưng hoạt động của nền kinh tế rất tốt, tăng 3,3% vào năm ngoái. Quốc gia này có môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch, rất thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. New Zealand cũng được đánh giá cao về quyền sở hữu trí tuệ, tự do tiền tệ, bảo hộ đầu tư và tỷ lệ tham nhũng thấp.

Mỹ - nền kinh tế số một thế giới - tụt 4 hạng xuống vị trí số 22. Đây là năm thứ 6 Mỹ tụt hạng trong danh sách này kể từ năm 2009. Mặc dù là trung tâm tài chính thế giới và GDP của nền kinh tế này đạt 17.400 tỷ USD, nhưng Mỹ có điểm số rất thấp về tự do tiền tệ và nạn tham nhũng/hối lộ.

Có hai lý do chính dẫn đến sự sụt giảm thứ hạng của Mỹ trong năm 2015. Thứ nhất là cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Mỹ bị ảnh hưởng khi Ngân hàng Thế giới (WB) có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi hợp phần thuế của WB và sự chuẩn bị về kỹ thuật cho “Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu” của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới.

Singapore với GDP 308 tỷ USD đứng vị trí số 8. Vương Quốc Anh và Nhật đều tăng 3 bậc, lần lượt vươn lên vị trí số 10 và 23. Đức tăng 2 bậc lên vị trí số 18.

Trung Quốc tăng từ vị trí 97 lên vị trí 94. Quốc gia này được đánh giá thấp là do có điểm về tự do cá nhân và tự do tài chính, bảo hộ đầu tư và hối lộ thấp.

Những quốc gia “đội sổ” trong danh sách này đa phần là các thị trường mới nổi có tỷ lệ tham nhũng cao và thiếu tự do về cá nhân, thương mại và tiền tệ. Cộng hoà Chad thay thế vị trí “đội sổ” của Guinea sau khi Guinea giữ vị trí này suốt 3 năm liền. Quốc gia Trung Phi này phụ thuộc 50% nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô. Chính vì thế, sự giảm giá dầu đã ảnh hướng rất lớn đến quốc gia này, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói. Ngoài Chad, 4 nước khác trong danh sách 5 nước “đội sổ” là Guinea, Lybia, Haiti và Myanmar.

Nguyên An

 

Đan Mạch tiếp tục dẫn đầu về môi trường kinh doanh - 2