Dân được lợi gì từ gói hỗ trợ mua nhà 30.000 tỷ?

(Dân trí) - Ngay sau khi các Thông tư hướng dẫn về giải ngân và đối tượng vay ưu đãi trong gói hỗ trợ mua nhà được ban hành, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam để tìm câu trả lời về lợi ích người dân được hưởng.

Cơ hội mua nhà xã hội và nhà thương mại giá rẻ đang mở ra với người thu nhập thấp?

Cơ hội mua nhà xã hội và nhà thương mại giá rẻ đang mở ra với người thu nhập thấp?
“Như nội dung thông tư, trong số 30.000 tỷ tín dụng ưu đãi này, chỉ dành tối đa 30% cho các DN xây dựng nhà ở xã hội vay, để thúc đẩy nguồn cung của nhà ở xã hội. Phần lớn còn lại để hỗ trợ cho những người thu nhập thấp vay, để thúc đẩy cầu.

Chắc chắn điều này sẽ giúp tăng thanh khoản, thúc đẩy giao dịch ở phân khúc này, làm ấm giao dịch trong phân khúc này và hy vọng sẽ làm lan tỏa ra phân khúc khác”, ông Nam cho biết.

Nói như vậy gói hỗ trợ này sẽ hướng tới cả cung lẫn cầu. Bộ Xây dựng đã có thống kê nào về cung - cầu để cân bằng lượng cung và sức mua đối với phân khúc này?

Theo thống kê của Bộ thì có khoảng 60 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, bao gồm xây mới và chuyển đổi từ nhà ở thương mại, với quy mô vài chục nghìn căn. Cuối tháng này và đầu tháng 6,  riêng ở Hà Nội sẽ triển khai thêm 5-6 dự án mới.

Còn về cầu, chỉ riêng nhu cầu của cán bộ các bộ ngành trung ương, gồm các ban Đảng thì con số đăng ký nhà ở xã hội gần 100.000. Thị trường còn rất rộng lớn, chúng ta đã bước đầu đã tạo cung, nay thêm 70% trong gói này để kích cầu thì chắc chắn sẽ rất hiệu quả.

Như Thứ trưởng đã nói, hiện tổng dư nợ BĐS khoảng 200.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này tính ra chỉ chiếm 15% tổng dư nợ, liệu có quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường?

Tôi cho rằng đây là một khoản đáng kể. Vì tăng trưởng dư nợ tín dụng chung rất thấp, ba tháng đầu âm, đến tháng tư mới tăng được 1,4%. Riêng trong lĩnh vực BĐS thì con số này chiếm 15%, cao hơn mục tiêu chung.

Mặc dù so với nhu cầu của người dân và DN thì chưa đủ, nhưng nếu được quản lý tốt, vốn vay đến đúng đối tượng, đúng mục đích thì đây sẽ là cú hích đáng kể đối với thị trường, lấy lại lòng tin của người mua nhà đối với thị trường BĐS.

Kể từ ngày Nghị quyết 02 của Chính phủ được ban hành cho đến nay đã hơn 4 tháng, Thứ trưởng đánh giá thế nào về thời điểm ban hành Thông tư hướng dẫn này?

Tôi cho là Thông tư ra đời rất đúng lúc. Mặc dù kinh tế trong 4 tháng vẫn chưa đạt được kế hoạch mong muốn, nhưng có những tín hiệu tốt lên về công ăn việc làm, về số DN thành lập mới, về sản xuất kinh doanh nói chung.

Đặc biệt trong thị trường BĐS, theo nghiên cứu của các công ty nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills thì có một số loại hàng hóa trên thị trường có tính thanh khoản tương đối tốt: các BĐS sắp hoặc đã hoàn thiện, và hàng hóa có quy mô nhỏ, như diện tích dưới 70m2 và giá 15 triệu đồng/m2 trở xuống.

Những người có nhu cầu nhà ở thực sự là rất lớn nhưng nguồn lực không đủ, nên gói này tung ra đánh đúng nhu cầu của người dân.

Mức lãi suất không quá 6% so với thu nhập của cư dân đang ở thành thị trong 10 năm là mức chấp nhận được, và hoàn toàn có thể trả được.

Các địa phương, DN cũng đang hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội và các nhà ở diện tích nhỏ.

Do đó, tôi tin rằng các thông tư ra đời rất đúng lúc và có tác động tốt với thị trường.

Ông có thể nói cụ thể hơn về đối tượng người mua nhà thuộc diện được hỗ trợ trong gói hỗ trợ này?

Có 2 nhóm đối tượng:

Đối tượng được duyệt mua nhà ở xã hội bao gồm cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; công nhân làm việc tại khu công nghiệp; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị (là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân), hoặc những người có nơi ở chật chội dưới năm mét vuông sàn/người.

Đối với đối tượng mua nhà ở thương mại dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 cũng giới hạn trong các quy định nói trên.
 
Đồng thời, những người này phải có hộ khẩu thường trú tại đô thị đó, hoặc có hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm trở lên và đóng bảo hiểm ở một đơn vị trên địa bàn đó.

Điều này nhằm giúp giải quyết nhu cầu thực, bức thiết của những người đang sống và làm việc ở đô thị đó, tránh tình trạng lợi dụng hỗ trợ để di dân từ nơi khác về, tăng thêm áp lực hạ tầng đô thị.

Tự tin về hiệu quả như vậy, liệu Bộ Xây dựng và NHNN có tính đến việc hỗ trợ các phân khúc khác, hoặc mở rộng gói hỗ trợ này?

Theo quan điểm của Bộ Xây dựng và NHNN là cần thực hiện tốt 2 thông tư (thông tư 11 của NHNN và thông tư 07 của Bộ Xây dựng) vừa được ký ban hành, giải quyết đúng đối tượng, nhanh, thuận tiện cho các đối tượng được vay.

Trong quá trình thực hiện sẽ đánh giá hiệu quả cụ thể. Trên cơ sở hiệu quả của gói này, căn cứ khả năng của ngân sách để tính tiếp, nhưng không loại trừ việc mở rộng gói hỗ trợ này.

 

Tiếp cận gói 30.000 tỷ như thế nào?

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN: NHNN chỉ cung cấp vốn vay, hỗ trợ lãi suất và quy định thời gian. Còn các NHTM sẽ trực tiếp cho vay và chịu trách nhiệm về chất lượng tín dụng, rủi ro khoản vay như hoạt động cho vay thông thường.

Vì vậy các ngân hàng đều phải thẩm định điều kiện vay, khả năng trả nợ của khách hàng trước khi giải ngân. Đồng thời, các ngân hàng được chỉ định (VietcomBank, BIDV, Agribank, Vietinbank và MHB) phải trích lập dự phòng rủi ro 0,75%, nếu để phát sinh nợ xấu vẫn phải trích lập dự phòng đến 100% theo quy định.

Theo NHNN, đơn vị này sẽ chỉ đạo các NHTM linh hoạt trọng việc giải ngân, và giám sát quá trình cho vay theo gói này. Những người mua nhà thuộc phân khúc và đối tượng theo thông tư nói trên đều có thể gửi hồ sơ vay vốn tới các NHTM để được xem xét.

Hồng Kỹ (thực hiện)