Dân đảo Síp xếp hàng dài rút tiền ngân hàng
(Dân trí) - Sau 2 tuần đóng cửa để ngăn chặn làn sóng rút tiền, các ngân hàng đảo Síp đã mở cửa trở lại. Rất đông khách hàng đã chờ từ sớm để được rút tiền nhưng đều xếp hàng khá trật tự. Nhiều quy định về hạn chế rút tiền đã được chính quyền áp dụng.
Theo hãng tin BBC, ngay từ trong đêm chi nhánh của các ngân hàng đã được tiếp rất nhiều tiền mặt để sẵn sàng cho giờ mở cửa trong khi lực lượng an ninh và cảnh sát được huy động để đề phòng sự hỗn loạn. Một số người đến từ sớm để xếp hàng nhưng tâm lý chung tương đối bình tĩnh.
Đến 10 giờ (giờ GMT) các ngân hàng bắt đầu mở cửa và đón khách tới 16 giờ (GMT). Tại một số chi nhánh, giờ mở cửa trễ hơn thông báo ban đầu khiến một số khách tỏ ra căng thẳng. Bên ngoài các chi nhánh của Laiki bank, ngân hàng sắp bị giải thể, lượng người tập trung đông hơn các ngân hàng khác.
Hầu hết khách hàng tới đây đều muốn rút hết hạn mức giao dịch tối đa được phép trong ngày là 300 euro. Trong đó có những người muốn rút hết số tiền mình có trong tài khoản nếu có thể. Tuy nhiên cũng có những người không muốn phải xếp hàng nhiều giờ chỉ vì số tiền nhỏ. “Sẽ có nhiều người xếp hàng nên tôi sẽ không mất hàng giờ đợi ở đó chỉ để rút 300 euro”, Roula Spyrou, chủ một cửa hàng trang sức cho biết.
Để ngăn ngừa tình trạng rút tiền hàng loạt, đã có nhiều quy định mới được Ngân hàng trung ương Síp đề ra. Ngoài giới hạn về rút tiền mặt, các khách hàng cũng sẽ không được đổi séc lấy tiền mặt. Các giao dịch thanh toán hoặc chuyển tiền ra ngoài đảo Síp thông qua thẻ tín dụng được cho phép ở mức tối đa 5.000 euro/người/tháng.
Trong khi đó các giao dịch từ 5.000 - 200.000 euro sẽ phải được sự xem xét và chấp thuận của một ủy ban đặc biệt. Những giao dịch lớn hơn 200.000 euro phải có đơn đề nghị và được phê chuẩn từng lần. Các khách du lịch khi rời đảo Síp chỉ được phép mang theo tối đa 1.000 euro. Ngoài ra các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn cố định cũng không được rút trước hạn.
Nhiều nhà kinh tế dự báo các biện pháp này sẽ còn được duy trì trong vòng vài tháng. Mặc dù các biện pháp kiểm soát này đã vi phạm một nguyên tắc của EU, trong đó khẳng định vốn cũng như con người và hàng hóa cần phải được tự do luân chuyển bên trong khu vực EU, Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định biện pháp trên là cần thiết.
Lí do được EC đưa ra đó là “sự ổn định của các thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng tại Síp tạo thành một vấn đề vượt trên lợi ích của công chúng”. Nhưng EC cũng khẳng định “sự tự do lưu thông vốn cần phải được khôi phục sớm nhất có thể”.
Phó chủ tịch của Liên đoàn các chủ sử dụng lao động của Síp, Demetria Karatoki khẳng định với hãng tin BBC rằng ông tin đảo quốc này sẽ vượt qua khó khăn. “Mặc dù sẽ có những khó khăn, cuối cùng chúng tôi có thể xây dựng lại nền kinh tế một cách an toàn hơn”.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến ngược lại. “Không ai thực sự tin các chính trị gia. Vậy nên tại sao chúng ta lại tin rằng các biện pháp kiểm soát này sẽ chỉ kéo dài một vài tuần và mọi người sẽ được nhận lại cổ phiếu và tiền?”, Costa Thomas, một doanh nhân người Síp gốc Anh quốc hoài nghi.
Đến nay Síp là quốc gia eurozone đầu tiên phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Thông tin từ Ngân hàng trung ương Síp ngày 28/3 cho biết trong tháng 2, những người gửi tiền người nước ngoài đã rút 18% số tiền mặt của họ từ các ngân hàng của đảo này trước khi khủng hoảng nổ ra.
Hãng tin AP dẫn số liệu của Ngân hàng trung ương châu Âu cho biết, lượng tiền gửi tại các ngân hàng của Síp đã sụt 2,2% trong tháng trước, xuống mức 46,359 tỷ euro, thấp nhất kể từ tháng 5/2010. Vào tháng 5/2012, lượng tiền gửi tại đảo quốc này từng đạt mức đỉnh 50,5 tỷ euro. Con số trên chưa kể lượng tiền gửi từ các ngân hàng khác cũng như ngân hàng trung ương.
Thanh Tùng
Theo BBC, AP