1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hà Tĩnh:

"Dân chơi" lại ồ ạt bán tháo xe biển Lào

(Dân trí) - Trước thông tin từ 1/8, Cục cảnh sát đường sắt, đường bộ sẽ tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải nước ngoài, những ngày này người dân thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (thủ phủ xe biển số Lào) đã chấp nhận lỗ nặng khi đồng loạt tìm cách bán tháo phương tiện.

Xe biển Lào có mặt ở thị trấn Tây Sơn và vùng phụ cận huyện Hương Sơn với đủ mọi chủng loại, giá cả và tất nhiên mục đích sử dụng cũng rất đa dạng, từ đi lại cho đến dùng cho vận tải hàng hóa, hành khách.

“Bán xe để rảnh nợ!”

Thực trạng xe biển Lào xuất hiện ồ ạt đang có dấu hiệu dừng lại trong thời gian qua, nhất là sau khi có thông tin Cục cảnh sát đường sắt, đường bộ sẽ tiến hành kiểm tra và sẽ mạnh tay với những phương tiện vận tải nước ngoài không đảm bảo thủ tục cho phép.

Để chứng thực chiều 27/7, nhóm PV Dân trí đã ngược nguồn lên thị trấn phố núi Tây Sơn. Khác với “chuyện mua” trước đây, những ngày này người dân thị trấn Tây Sơn chủ yếu bàn đến “chuyện bán” những chiếc xe biển Lào mà họ đang có.

Nghe hỏi chuyện làm ăn bằng xe biển Lào một ông chủ (xin được giấu tên) sở hữu chiếc xe 45 chỗ hiệu EARO tỏ vẻ ngán ngẩm: “Khách ít, giấy tờ phiền phức, lại có thông tin CSGT làm căng nên tôi đã quyết định bán nó đi. Tuy nhiên, dù chiếc EARO được hạ giá xuống còn 100 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa có vị khách nào ngó ngàng”.

Ông này cho biết, kiểu gì cũng phải bán cho rảnh nợ. Nếu không bán được thì sẽ đưa xe sang Lào nhờ “đối tác” tiêu thụ giùm dù việc bán là điều không dễ dàng.

Mang xe quay trở lại Lào tiêu thụ với giá rẻ cũng được rất nhiều chủ xe biển Lào ở Hương Sơn thực hiện trong thời gian qua. Theo thông tin từ các nhà xe thì ở thị trấn này đã có ít nhất 40 đầu xe biển Lào được người dân đưa sang Lào ký gửi nhờ tiêu thụ hộ.

Không chỉ xe vận tải hành khách, người dân thị trấn Tây Sơn cũng đang tìm mọi cách bán tháo những chiếc xe con của họ. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận lỗ nặng chỉ mong vớt vát được một phần nào đó. Chẳng hạn, khi mua chiếc xe “đầu đạn” Mitsubishi 9 chỗ giá 12.000 USD thì nay họ chấp nhận bán giá từ 5 - 7.000 USD.

Chung số phận, các đại gia buôn xe biển Lào cũng đang tìm cách mang xe trở lại Lào để bán. Một nhà xe ở đây kể lại cách đây vài tuần, hai đại gia G.C và T.T đã phải chấp nhận bán xe PRADO lỗ gần 200 triệu đồng. Riêng đại gia H.S dù đưa chiếc PRADO sang tận Viêng Chăn nhưng cũng phải mất hơn một tuần “lưu trú” và chấp nhận lỗ hơn 10.000 USD mới bán được.

Đua nhau đi dịch thuật giấy tờ xe

Những người lưu hành xe biển Lào ở thị trấn Tây Sơn thừa nhận rằng, chỉ số ít trong số hàng trăm chiếc xe biển Lào có đủ giấy tờ để được cấp phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam, phần lớn còn lại các chủ hoạt động chui. Vì thế, họ có cả ngàn “ngón nghề” để qua mặt các cơ quan chức năng kiểm tra.

Tuy nhiên, quyết định mở đợt cao điểm kiểm tra xử lý xe mang biển nước ngoài đã khiến không ít người dân sở hữu xe biển Lào ở thị trấn này lo lắng. Ngoài việc bán tống bán tháo xe, chúng tôi còn bắt gặp cảnh các chủ xe biển Lào đang tìm mọi cách đối phó với các cơ quan chức năng.

Đầu tiên là việc thuê tài xế người Lào sang cầm lái chiếc xe của mình để hợp thức hóa một phần tính hợp pháp của xe. Anh Trần Văn Nam, xã Sơn Tây, chủ sở hữu của 2 chiếc xe khách nhãn hiệu AERO chạy tuyến Thị trấn Tây Sơn - Lạc Xao (tỉnh Bô-ly-khăm-xay, Lào) cho hay: “Đây chỉ là biện pháp tức thời để tránh bị xử phạt thôi, chứ việc thuê được lái xe bên ấy sang lái cho mình hoàn toàn không đơn giản. Chấp nhận trả lương cao cũng chưa chắc đã tìm được tài xế như mình cần”.

Ngoài việc tìm kiếm lái xe, các chủ xe biển Lào cũng ồ ạt rủ nhau đi dịch thuật bản đăng kí phương tiện để đối phó sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Do tại địa bàn Hương Sơn chưa có cơ sở nào tiến hành được việc dịch thuật này nên nhiều chủ xe đã phải ra tận TP Vinh (Nghệ An) hoặc gửi ra Hà Nội gấp rút thực hiện.

Điều 43, Nghị định 152/CP, quy định về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài vi phạm Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và nước ngoài như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài có một trong các hành vi: lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định; hoạt động quá phạm vi được phép hoạt động; điều khiển phương tiện không có giấy phép liên vận; không có phù hiệu liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng, vận chuyển khách hoặc hàng không đúng với quy định tại Hiệp định Vận tải đường bộ, Nghị định thư đã ký kết hoặc xuất, nhập cảnh không đúng cửa khẩu.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài còn bị áp dụng các biện pháp như: bị tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam, đánh dấu số lần vi phạm...

Phương Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm