1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

DaiABank báo cáo Ngân hàng Nhà nước sau cuộc đại hội “lịch sử”

(Dân trí) - Sau cuộc ĐHĐCĐ căng thẳng hiếm thấy kéo dài tới 18h30 ngày 15/6 vừa qua, DaiABank đã có văn bản gửi NHNN, cơ quan Thanh tra Giám sát về kết quả, trong đó đáng chú ý là việc 100% cổ đông biểu quyết thông qua chủ trương sáp nhập với HDBank.

Nếu sáp nhập thành công, ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ hơn 8.000 tỷ đồng

Nếu sáp nhập thành công, ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ hơn 8.000 tỷ đồng
Theo Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lập vào cuối ngày 15/6 sau cuộc đại hội kéo dài gần trọn một ngày, đề án tái cơ cấu DaiABank đã được thông qua theo phương án hợp tác với HDBank với tỷ lệ tán thành 100% tổng số cổ phần tham gia biểu quyết.

Cụ thể, ĐHĐCĐ DaiABank đã thông qua các nội dung trong thỏa thuận nguyên tắc giữa DaiABank và HDBank ký ngày 9/10 năm ngoái về chủ trương tái cấu trúc DaiABank theo công văn chấp thuận chủ trương ngày 17/10 của NHNN, và ủy quyền cho HĐQT DaiABank triển khai các thủ tục theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của ngân hàng này.

Trước đó, tờ trình về đề án tái cơ cấu của HĐQT ngân hàng này trình đại hội nhắc tới 2 phương án, hoặc hợp tác với HDBank hoặc tự tái cơ cấu và nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ vào năm 2015 thông qua việc phát hành cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên theo đánh giá của phần lớn các cổ đông tại đại hội, phương án tự tái cơ cấu khó khả thi và không theo kịp diễn biến của thị trường trong lĩnh vực này.

Hiện sau khi ACB chính thức thoái vốn khỏi DaiABank và cổ đông lớn Công ty Tín Nghĩa tuyên bố thoái vốn theo chủ trương của nhà nước về tái cơ cấu DNNN, các cổ đông lớn HDBank và Sovico được cho là đang sở hữu khoảng 40% cổ phần tại DaiABank.

Tại đại hội vừa qua, trong 4 thành viên HĐQT mới được bầu bổ sung thì có 2 gương mặt đến từ HDBank, 2 người còn lại là của Sovico.

Theo tuyên bố được đưa ra tại đại hội, thỏa thuận nguyên tắc giữa DaiABank và HDBank cho thấy phương án hợp nhất sẽ có tỷ lệ hoán đổi cổ phần 1:1, và ngân hàng sau hợp nhất sẽ sử dụng toàn bộ lao động có hợp đồng của cả hai ngân hàng.

Điều này được cho là công bằng với cổ đông hai bên, và không ảnh hưởng đến người lao động của hai ngân hàng, trong bối cảnh hoạt động của cả hai đều ổn định và không thuộc diện phải tái cơ cấu bắt buộc.

Trước đó, tiến trình thực hiện việc tái cơ cấu theo thỏa thuận nguyên tắc tháng 10 năm ngoái bị chậm trễ, do chưa có sự thống nhất giữa các nhóm cổ đông lớn. Nguyên nhân, theo phía cổ đông Tín Nghĩa là do chủ trương của tỉnh Đồng Nai chưa đồng ý việc hợp nhất khi chưa thoái vốn nhà nước. Việc thoái vốn bị chậm trễ chủ yếu do chưa đạt được thỏa thuận về giá chuyển nhượng cổ phần.

Trước đó, ngoài 9 ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu bắt buộc, NHNN cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô, năng lực quản trị, phát huy lợi thế cạnh tranh trong điều kiện số lượng ngân hàng của Việt Nam là khá lớn nhưng chưa có các định chế tài chính đạt tầm quốc tế và khu vực.

Nếu việc hợp nhất DaiABank và HDBank suôn sẻ, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, lọt vào nhóm 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Hoành San