Đại lý thuế sắp có đất "dụng võ"

Đa số đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận về dự án Luật quản lý thuế, hôm qua 31/10, đều nhất trí hợp thức hóa hoạt động của các đại lý thuế. Tuy nhiên, phải có chế tài xử phạt nhằm tránh tình trạng bùng nổ “cò” môi giới thuế, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Lần đầu tiên một dự án luật của Việt Nam đặt vấn đề cho phép lập các đại lý thuế - cơ quan trung gian làm nhiệm vụ tư vấn pháp luật, thay mặt doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về thuế.

 

Đại lý này có nghĩa vụ cung cấp cho cơ quan thuế các tài liệu, chứng từ để xác minh tính chính xác việc quyết toán thuế, nộp thuế, miễn giảm, hoàn thuế... và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến tại buổi thảo luận dự án Luật quản lý thuế hôm 30/10, việc có thêm cơ quan thứ ba này có thể phát sinh kẽ hở.

 

Thậm chí, người làm đại lý thuế có thể biến tướng thành “cò môi giới” giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Do vậy, việc có thêm đại lý thuế phải song song với việc ban hành một số chế tài xử phạt.

 

Ông Võ Quốc Thắng, đại biểu tỉnh Long An nhận xét, trong dự thảo luật, các quy định về quyền và nghĩa vụ đại lý thuế chưa chặt chẽ và không bảo đảm quyền lợi cho người nộp thuế.

 

Chẳng hạn, dự thảo cho phép đại lý thuế được kê khai, quyết toán, nộp thuế và nộp hồ sơ đề nghị được miễn, giảm thuế. “Tôi đề nghị nên bỏ từ “nộp thuế”, bởi nếu nộp thuế thay cho doanh nghiệp, rất có thể cơ quan trung gian này sẽ lợi dụng quyền hạn của mình cuỗm tiền bỏ trốn, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Lúc đó đó, người nộp thuế không chỉ mất tiền mà còn bị cơ quan quản lý xử phạt”.

 

Đại biểu tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam đặt câu hỏi: “Việc cơ quan thuế không trực tiếp thu thuế mà qua trung gian, liệu có tránh khỏi tình trạng có sự thông đồng giữa người nộp thuế, tổ chức kinh doanh dịch vụ thuế với cơ quan quản lý thuế hay không?”.

 

Theo ông, tại Khoản 3, Điều 19 của Dự thảo quy định, nếu đại lý thuế thực hiện không đúng quy định, người nộp thuế vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Như vậy, kiểu gì thì người nộp thuế vẫn chịu thiệt thòi.

 

Do vậy, tôi đề nghị nếu có đại lý thuế thì phải có thêm các quy định về trách nhiệm của cơ quan trung gian này đối với người nộp thuế khi xảy ra các sai phạm”, ông Nam nhấn mạnh.

 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (thành phố Hải Phòng) cho rằng việc hình thành đại lý thuế là cần thiết, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, các quy định quá dễ dãi, chế tài xử phạt không rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng các đại lý thuế mọc lên như nấm, không thể kiểm soát nổi.

 

Theo quy định, để trở thành cơ quan tư vấn thuế, mỗi đơn vị chỉ cần hai người có chứng chỉ hành nghề. “Với thủ tục thành lập quá đơn giản như vậy, liệu cơ quan thứ ba này có đủ khả năng về tài chính để chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp và Nhà nước về những tổn thất mà họ gây ra hay không.

 

Tôi đề nghị, bổ sung thêm điều kiện là: Đại lý thuế bắt buộc phải có một khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng, nhằm bảo đảm nếu anh làm sai hoặc tổn thất thì phải đền bù thiệt hại cho những người thuê”, ông nói.

 

Một điểm cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn là việc có thêm đại lý thuế sẽ khiến bí mật doanh nghiệp khó có thể được giữ kín. Có thể đơn vị trung gian lại sử dụng thông tin này bán cho tổ chức khác, gây sức ép với người nộp thuế.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, tỉnh An Giang, nhấn mạnh: “Trách nhiệm của cơ quan này như thế nào đối với vấn đề bảo mật thông tin, dự thảo luật chưa đề cập nhiều. Hiện các hình thức xử phạt đối với đại lý thuế đối với vấn đề bảo mật thông tin cũng còn rất mơ hồ và chung chung”.

 

Nhiều đại biểu cũng đề xuất cần có chế tài xử phạt rõ ràng đối với chính cơ quan quản lý thuế. Đại biểu Lê Quốc Dung (tỉnh Thái Bình) nhắc khéo: “Tôi chưa thấy có chương nào trong dự án luật đề cập đến trách nhiệm của công thức thu thuế đối với những vấn đề mà dư luận đang bức xúc như tính sai thuế, ăn chia tỷ lệ, tham ô, móc ngoặc...

 

Thực tế đã xảy ra một số trường hợp cán bộ thuế thu của dân mấy tỷ đồng mà không nộp vào ngân sách”.

 

Theo Minh Khuyên

VnExpress