1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại hội đồng cổ đông PNC: Cuộc đối đầu không lối thoát

(Dân trí) - Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 lần 3 của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vừa diễn ra nhưng đã tiếp tục lâm vào bế tắc vì cổ đông lớn vẫn ngoảnh mặt bất hợp tác.


Tại đại hội cổ đông của PNC hôm qua (5.5), các cổ đông vẫn tiếp tục kịch chiến với nhau.

Tại đại hội cổ đông của PNC hôm qua (5.5), các cổ đông vẫn tiếp tục kịch chiến với nhau.

Cổ đông “tự bắn vào chân mình”?

Sau nhiều đại hội bất thành trong suốt 3 năm qua, thì trong đại hội đồng cổ đông bất thường 2017 lần 3 diễn ra vào hôm qua (5.5), các cổ đông vẫn tiếp tục kịch chiến với nhau.

“Nổ súng” mở đầu trong không khí căng thẳng là đại diện cổ đông lớn - Công ty Trường Phát, đơn vị nắm giữ 24,3% cổ phần tại PNC. Theo đó, vị đại diện này đã đưa ra một loạt yêu cầu. Thứ nhất, đề nghị tạm ngừng đại hội cổ đông lần này để chờ kết quả xét xử của Tòa án về việc hủy bỏ Nghị quyết số 01 (15.2.2017) của đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 (lần 2) tổ chức hồi tháng 2.2017. Thứ hai, nhóm cổ đông không được thực hiện đề cử thành viên HĐQT trong lần đại hội này. Thứ ba, nếu không có báo cáo HĐQT, các báo cáo tài chính khác đều sẽ bị phủ quyết, không được thông qua.

Tuy nhiên, nhiều cổ đông nhỏ lẻ khác đã phản bác lại những nội dung trên và yêu cầu đại hội nên tiếp tục diễn ra. “Hoạt động công ty cần đảm bảo tính liên tục, trong khi thời gian xem xét của Tòa là không thể xác định”, một cổ đông nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Hữu Hoạt, tổng giám đốc PNC và cũng là cổ đông thể hiện sự bức xúc khi hết lần đại hội này đến lần đại hội khác, các văn bản đều bị nhóm cổ đông lớn phủ quyết, trong khi tất cả các báo cáo đều được công ty kiểm toán độc lập tiến hành đúng quy định và chuyên môn.

“Trong ba năm qua, các mục tiêu của công ty đều bị thất bại. Các nhà đầu tư nhỏ trông chờ cái gật đầu của cổ đông lớn nhưng hầu như mọi thứ đang bị cản trở”, ông nói. “Chúng ta đều là nhà đầu tư, là cổ đông, đều biết “đồng tiền liền khúc ruột”, sao không ngồi xuống với nhau mà cản trở, xung đột, đối đầu nhau thì khác gì tự bắn vào chân mình? Việc sản phẩm của công ty là bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nhưng một đại diện cho cổ đông lớn và là thành viên HĐQT lại đi chống lại khi kêu gọi công chúng đừng xem vẫn khiến nhiều cổ đông bức bối”, một cổ đông lên tiếng.

Không lối thoát

Theo báo cáo, năm 2017, PNC đặt kế hoạch doanh thu đạt 600 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 10 tỉ đồng, gấp 2,8 lần kết quả thực hiện năm 2016. Theo ông Nguyễn Hữu Hoạt, hệ thống nhà sách là nguồn thu chính của công ty, chiếm trên 90% doanh thu, vì vậy PNC sẽ đẩy mạnh mở cừa thêm 5-10 nhà sách. Hoạt động gần nhất là trong tháng 6 này, công ty sẽ triển khai dự án thành phố sách Phương Nam ở tỉnh Bình Dương để phát triển văn hóa đọc.


Đại hội cổ đông PNC năm nay khá căng thẳng

Đại hội cổ đông PNC năm nay khá căng thẳng

Báo cáo tài chính 2016 đã kiểm toán cho thấy, doanh thu đạt gần 543 tỉ đồng, tăng 26% so với năm 2015; lãi ròng hơn 1,9 tỉ đồng, cao hơn nhiều lần so với con số 142 triệu đồng của năm trước. Cầm kết quả hoạt động khả quan trên tay, ông Hoạt khẩn thiết kêu gọi các cổ đông cần có trách nhiệm xem xét thông qua các tờ trình, nhất là báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Bà Phan Thị Lệ, chủ tịch HĐQT nói rõ, một phần nguyên nhân cổ phiếu PNC bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt là do vi phạm công bố thông tin báo cáo kết quả kinh doanh kiểm toán, mà căn nguyên là do cổ đông lớn đã không thông qua các tờ trình tại những đại hội trước.

Kết quả, hầu hết các báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh 2016 và mục tiêu 2017, báo cáo tài chính năm 2016, báo cáo của ban kiểm soát cũng như các tờ trình về việc việc chọn đơn vị kiểm toán, thù lao HĐQT và ban kiểm soát đều không được thông qua, với tỷ lệ 37,5% tán thành và 62,5% phủ quyết.

Riêng việc bầu cử bổ sung thành viên HĐQT, chỉ có một người ứng cử là ông Lê Lam Viên, trong khi số lượng cần thiết là 5 người. Vì vậy, ông Hoạt đề nghị phương án khác là đề cử ứng cử viên tham gia HĐQT bởi các cổ đông tham gia đại hội bất thường lần 3, thay vì các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% trên 6 tháng mới được đề xử.

Tuy nhiên, khi bỏ phiếu biểu quyết cho phương án này, thì nhóm cổ đông 2 công ty Trường Phát và Thành Vinh với tỷ lệ sở hữu 47% cùng một số cổ đông khác tiếp tục không tán thành (với tỷ lệ 62,42%). Sau khi bỏ phiếu, ông Viên (đã được một nhóm cổ đông sở hữu trên 10% đề cử trước khi đại hội diễn ra) đã trúng cử thành viên HĐQT.

Kết quả đại hội đồng cổ đông bất thường 2017 lần 3, theo quan sát của giới chuyên gia, phân tích chứng khoán, nhóm cổ đông “cá mập” vẫn quyết tâm theo đuổi ý chí chi phối hoạt động của PNC, và như vậy, cuộc đối đầu cổ đông ở PNC vẫn chưa có lối thoát. Các cổ đông thiểu số, cũng như nhiều nhân viên PNC đang lo lắng, khi đứng trước cuộc xung đột không thể dung hòa ở PNC, PNC sẽ tiếp tục hoạt động như thế nào? Những yêu cầu của nhóm cổ đông lớn như đòi hỏi bãi miễn những người lãnh đạo, điều hành công ty liệu sẽ được phân xử trong một trình tự pháp lý như thế nào? Những cổ đông có quyền lợi mâu thuẫn với lợi ích công ty liệu có thể xem xét “ tư cách” cổ đông của họ trong các cuộc đấu đá quyền lực của công ty?

Các cổ đông nhỏ đang mong chờ vào những hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp 2014 vốn được coi là tích cực bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số. Trong khi đó, những hành động bất hợp tác của nhóm cổ đông lớn sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động trong tương lai của PNC rất lớn.

Quỳnh Nguyên