Đại gia Việt viễn chinh mở đất mới

Vượt qua những khó khăn trong nước, nhiều đại gia đã mở đường đi ra nước ngoài tìm những những vùng đất mới cho chiến lược kinh doanh dài lâu. Bước đầu nhiều thử thách nhưng tất cả đang hướng về một tương lai nhiều hy vọng.

Khó khăn vẫn tỏa sáng

 

Những ngày cuối cùng của năm 2013, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) đã công bố thông tin: Công ty đã nhận được đăng ký kinh doanh tại Campuchia.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Khi bảo vệ quá hống hách, xúc phạm công nhân

 

Với các DN khác, một thông tin như vậy sẽ gây xôn xao thị trường, có thể khiến cổ phiếu tăng giá mạnh. Nhưng với Vinamilk, câu chuyện hiện thực hóa việc đầu tư vào nước láng giềng Campuchia có lẽ không có gì đáng bàn nhiều bởi nó đã nằm trong đường hướng phát triển của DN; hơn nữa số vốn đăng ký đầu tư hàng trăm tỷ trong vụ này cũng chưa phải lớn lao so với các dự án được công bố trong năm.

 

Trước đó, các cổ đông của Vinamilk, trong đó có ông lớn Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có lẽ đã hả hê khi DN đưa vào vận hành 2 “siêu nhà máy”, 1 chuyên sản xuất sữa nước có vốn đầu tư 2.400 tỷ dồng với công suất 800 triệu lít sữa/năm và 1 chuyên sữa bột trẻ em có quy mô vốn tương đương cùng được đặt ở khu vực phía Nam.

 

Đầu tư ra nước ngoài cho một chiến lược phát triển lâu dài.
Đầu tư ra nước ngoài cho một chiến lược phát triển lâu dài.

 

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Ấn tượng mà nhiều NĐT nhận thấy ở một trong những DN sao sáng trong cộng đồng kinh tế này trong năm 2003 không hẳn ở 2 “siêu nhà máy” trong nước vừa được đưa vào hoạt động mà là những bước đi đầu tư ra các thị trường ngoài nước.

 

Bước tiến thành lập Angkor Dairy Products có vốn đăng ký khoảng 420 tỷ đồng tại Campuchia sau động thái rót thêm tiền cho dây chuyền sản xuất sữa tươi tại New Zealand lên 14,4 triệu USD, cùng với quyết định chi 7 triệu USD mua công ty sữa của Mỹ là Driftwood Dairy hồi đầu tháng 12/2013 để mở rộng thị trường là một điểm nhấn trong hoạt động của DN này.

 

Nói đến chí hướng ngoại phải kể đến là Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức. DN từng đi đầu trong lĩnh vực BĐS ở Việt Nam này đã rút khỏi lĩnh vực này ở trong nước nhưng lại khởi công một dự án quy mô rất lớn hàng trăm triệu USD ở giữa trung tâm Myanmar từ đầu năm 2013 và dự kiến hoàn thành trong vòng 14 tháng.

 

Dự án của bầu Đức vào Myanmar nhắm đến phân khúc BĐS thương mại cao cấp cho thuê và căn hộ dịch vụ khiến nhiều người giật mình vì khả năng nắm bắt cơ hội nhanh nhạy của doanh nhân giàu thứ 2 trên TTCK Việt Nam này. Trước đó, từ năm 2007, đại gia phố núi này đã trồng những cây cao su đầu tiên trên đất Lào, và hiện đã có một phần khai thác được mủ.

 

Một DN cũng mạnh mẽ đầu tư ra nước ngoài trong năm 2013 là Công ty Cổ phần Gemadept (GMD). Trong 9 tháng đầu năm, GMD đã mạnh tay chi hàng trăm tỷ đồng cho 3 dự án tại Campuchia là cảng Nam Hải Đình Vũ, Dự án cao su của Pacific Pearl và dự án cao su của Pacific Lotus. Hoạt động cảng biển, cho thuê văn phòng… tiến triển tốt đã góp phần giúp DN thực hiện các kế hoạch vươn mình ra nước ngoài.

 

Thông tin bán Gemadept Tower cho một tập đoàn Hàn Quốc thu về hơn 700 tỷ đồng cùng với kế hoạch bán vốn tại Cảng Cái Mép Gemadept-Terminal được nhiều người dự đoán là bước đi mà GMD dồn tiền cho các dự án hàng chục nghìn hecta cao su ở Campuchia.

 

Để miếng bánh ngày càng nở ra

 

Trong phiên họp định kỳ tháng 11/2013, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT về chủ trương đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo đó, HĐQT đề xuất ĐHCĐ thông qua chủ trương triển khai các dự án đầu tư nước ngoài tại Myanmar, Indonesia, Thái Lan và nghiên cứu phương án đầu tư tại Malaysia, Philippines.

 

Trong vài năm gần đây, giới đầu tư cũng đã chứng kiến khá nhiều DN vươn cánh tay ra nước ngoài, đầu tư các dự án ở nhiều nước trên thế giới như Bóng đèn Điện Quang (DQC) tại Venezuela, CT Group tại Myanmar, Sông Đà với thủy điện tại Lào, FPT tại Nhật, Gốm sứ Minh Long tại Czech, Viettel….

 

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các DN trong nước đã đầu tư vào hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ với lượng vốn khoảng cả chục tỷ USD với vốn chủ yếu vào Lào, Campuchia, Nga, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, điện, dầu khí, cây công nghiệp, tham gia một số hoạt động phân phối, ngân hàng, tài chính.

 

Có thể thấy, 2013 là một năm vẫn còn khó khăn với nhiều DN. Tuy nhiên, trong hàng chục ngàn DN lao đao trong bão tố cũng có không ít những gương mặt lớn vẫn đang vững tay chèo, vượt qua hầu hết các sóng gió, thậm chí còn kiếm bộn tiền, mở rộng tầm hoạt động của mình.

 

Kể hoạch mở rộng đầu tư ra nước ngoài có lẽ là một lựa chọn không hề tồi đối với các DN có thực lực tốt. Lý do khá đơn giản là bởi vì chiếc bánh thị trường trong nước dường như đã chật chội với không ít đơn vị, không vươn ra ngoài thì không thể cải thiện được doanh thu, không phát triển được thêm nhiều nữa.

 

Trả lời phỏng vấn Bloomberg gần đây, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk đã khẳng định chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trong đó có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Campuchia với kỳ vọng doanh thu sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2017.

 

Với bầu Đức, cú đấm BĐS Myanmar và cao su ở Lào đang được kỳ vọng sẽ là nồi cơm của tập đoàn này trong thời gian tới, thay cho BĐS trong nước, thủy điện và đồ gỗ.

 

Như thế, xu hướng đầu tư ra nước ngoài không chỉ là vì tương lai lâu dài mà còn được xem là một lựa chọn vượt khó của các DN trong nước. Tuy nhiên, dòng vốn xuất ngoại không phải bao giờ cũng dễ dàng. Nhiều chuyên gia gần đây cảnh báo về sự khó khăn trong việc thu vốn đầu tư về.

 

Theo Mạnh Hà

VEF
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước