Đại gia Việt: Thử lửa mới biết vàng - thau!

Khi nền kinh tế đổi mới là cơ hội vàng cho những ai có máu kinh doanh nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đổi đời. Nhưng bên cạnh những người làm giàu chính đáng thì cũng có không ít những người “giàu nhanh, giàu xổi” nhờ mánh lới và kể cả phi pháp…

Tuy nhiên, khi thời cuộc biến động thì những bản chất đã sớm bộc lộ. Vẫn có những người vững vàng vươn lên nhưng cũng không ít người vấp ngã, phải phá sản hay vướng vào vòng lao lý.

 

Những kiểu giàu “xổi”

 

Cách đây vài năm, đã xảy ra chuyện ầm ĩ về một nhóm đầu tư mới quyết tâm thâu tóm DN sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền nổi tiếng mới được cổ phần hóa.

 

Nhưng càng bất ngờ hơn khi người ta lật lại hồ sơ cổ phần hóa DN này thì thấy, Công ty CP Tràng Tiền, đơn vị đang được sử dụng xấp xỉ 4.000 m2 đất ở gần Bờ Hồ nhưng được định giá chỉ với 1,5 tỷ đồng. Tất nhiên, với số vốn định giá thấp như thế thì không khó để những ông chủ có tiền mua cổ phiếu DN với giá gấp vài chục lần để thâu tóm và làm chủ DN.

 

Và mọi chuyện có thể đã rõ hơn, khi sau đó, đại gia thâu tóm mảnh đất này bày tỏ ý định xây khu khách sạn và biệt thự “siêu sang” trên mảnh đất của DN đang nắm giữ.
 
Đại gia Việt: Thử lửa mới biết vàng - thau!

 

Có một thực tế, việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định 28/CP ngày 07/05/1996, giá trị của doanh nghiệp được giữ nguyên theo giá trị hiện có được thể hiện trên bảng tổng kết tài sản. Với tốc độ lạm phát trong hàng chục năm đều trên dưới 10%, những giá trị ấy thấp xa so với giá trị thực. Đó là chưa nói đến giá trị quyền sử dụng đất đai, lợi thế kinh doanh, giá trị thương hiệu… đều chưa được tính đến hoặc tính đến nhưng với giá rất rẻ.

 

Vì thế, đã có nhiều đại gia “thính mũi” đã lợi dụng để thâu tóm DN với giá rẻ hay giành được quyền sử dụng nhưng tài sản lớn với giá rẻ. Chỉ quanh Hồ Gươm thôi cũng đã xảy ra nhưng ví dụ ầm ĩ như: Khách sạn Phú Gia, Intimex… rồi còn Bánh tôm Hồ Tây và còn nhiều trường hợp khác tận dụng cơ hội này để làm chủ hoặc ít ra cũng có quyền hưởng lợi từ khối tài sản lớn và nhanh chóng giàu có.

 

Một cách giàu nhanh khác là BĐS. Với một dự án bất động sản được phê duyệt, dự án nhỏ thường với quy mô một vài héc ta, với dự án lớn có thể là hàng trăm héc ta. Các DN đầu tư một số vốn làm hạ tầng, nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo biểu giá quy định, thường là thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường là có thể phân lô bán nền, thậm chí là bán nhà trên giấy để thu lãi.

 

Các DN lấy tiền từ những khoản lãi thu được từ các nhà đầu tư thứ cấp nhỏ lẻ để đầu tư tiếp theo hoàn thiện các dự án đô thị. Với số tiền đầu tư không phải là quá lớn nhưng lợi dụng những cơn sốt, giá được đẩy lên cao ngất và chủ đầu tư tha hồ thu lợi. Từ số tiền đó, họ tiếp tục đầu tư và mua bán để tạo dựng cho mình một tài sản lớn, nhanh chóng bước vào hàng đại gia.

 

Rồi khi thị trường chứng khoán nóng bỏng, chỉ cần ai đó đó có giấy phép hoạt động ở một trong số những lĩnh vực nhiều tiềm năng thì chưa cần biết đến hiệu quả, thậm chí cả DN đã đi vào hoạt động hay chưa đều có thể bán cổ phiếu phổ thông bằng cách phát hành không qua sàn giao dịch (OTC) với giá cao gấp nhiều lần mệnh giá.

 

Đó là những cách tạo ra các đại gia mà con đường làm giàu của họ không phải nhọc công xây dựng các doanh nghiệp lớn hay các nhà máy sản xuất ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, cũng không cung cấp các loại dịch vụ chất lượng cao. Thậm chí, họ sẵn sàng lợi dụng cơ chế, lách luật và phạm pháp để đạt được lợi ích mong muốn.

 

Nếu trong một nền kinh tế được vận hành với đẩy đủ các khung pháp lý, có một cơ chế minh bạch thì những thương vụ, những kiều làm ăn như trên sẽ được hạn chế tối đa. Sẽ không có nhiều kẽ hở để đại gia “lách luật” chớp “cơ hội vàng” mà những kiểu làm ăn đó sẽ bị điều chỉnh ngay luật pháp và phải nộp thuế cho nhà nước. Tuy nhiên, điều dễ thấy là ở nhiều nước có nền kinh tế với một nền kinh tế đang chuyển đổi, các quy định chưa hoàn thiện và còn nhiều kẽ hở, sự kém minh bạch… đang là mảnh đất sống, môi trường lý tưởng cho những kiểu làm ăn chụp giật… giàu nhanh, giàu xổi của nhiều người.

 

Nhưng rồi, khi nền kinh tế hội nhập sâu vào thế giới, theo đó là ánh sáng luật pháp từng bước soi rọi vào mọi ngõ ngách của đời sống, các đại gia giấu mình sẽ bị đưa ra ánh sáng. Đặc biệt, khi kinh tế có biến động, không ít đại gia đã rơi vào vỡ nợ, vướng vào lao lý… Lúc đó, vàng thau sẽ lộ rõ.

 

Những đại gia đích thực

 

Nói như vậy không phải không có những đại gia có tầm nhìn xa đã chọn cho mình nhiều con đường làm giàu khác nhau. Không thể chê trách trong thời điểm nhá nhem chuyển đổi, ai đó đã nhanh tay chớp lấy cơ hội, kiếm cho mình một chút vốn giắt lưng theo kiểu “tích luỹ nguyên thuỷ” tư bản. Nhưng rồi, họ nhận ra, minh bạch như một xu hướng tất yếu của thời toàn cầu hoá.

 

Bằng vốn liếng, trí thông minh và kinh nghiệm, họ lựa chọn cho mình những ngành nghề nhiều tiềm năng, hợp với chuyên môn để cung cấp cho xã hội những sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước rồi từng bước vươn ra nước ngoài. Khi sản phẩm được thừa nhận, họ có thu nhập, có lợi nhuận, có tích luỹ để trở thành thiếu gia rồi đại gia.

 

Bằng cách này, người Việt đã tạo dựng được những thương hiệu có sức lan toả. Dẫu nền kinh tế có trải qua giông bão, sóng gió, nhưng con người vẫn phải ăn, phải mặc, vẫn phải sống. Nhờ đó, những mặt hàng tên tuổi, có thương hiệu vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Thị trường xấu, nguồn thu không tăng trưởng như ý muốn nhưng vẫn duy trì được mức không lỗ.

 

Cuộc khủng hoảng tài chính như một cơn giông bão, đó là phép thử cho những con thuyền ra khơi. Ai đó lựa chọn con đường ngắn hạn, chụp giật sẽ bị cuốn phăng, những người có tầm nhìn xa, biết cách tìm lợi thế trong cạnh tranh để phát triển sẽ tiếp tục đi lên. Qua lửa, vàng thau sẽ rõ.

 

Theo Phan Thế Hải

VEF