Đại gia Việt sa cơ, những cú tung tin "đốt cháy" tỷ USD

Hàng loạt tin đồn và những vụ đại gia Việt sa cơ dồn dập đến với thị trường, đốt cháy nhiều tỷ USD trong năm 2017. Sóng gió không ngừng cho dù thị trường chứng kiến một năm khởi sắc chưa từng có trong một thập kỷ qua.

Những cú sốc tỷ USD

Đầu tháng 8, mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt về thông tin cựu chủ tịch của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt. Giá cổ phiếu BIDV nói riêng và của nhóm ngành ngân hàng nói chung đều chịu tác động mạnh.

Cú sốc đã thổi bay gần chục ngàn tỷ đồng vốn hóa của BIDV chỉ trong một phiên giao dịch và khoảng 2 tỷ USD trên thị trường chứng khoán (TTCK) bốc hơi. Chỉ số VN-Index giảm mạnh nhất trong 10 tháng trước sự ngỡ ngàng của các nhà đầu tư chứng khoán.

Chỉ riêng nhóm ngân hàng, 10 cổ phiếu niêm yết trên sàn đã bốc hơi khoảng 700 triệu USD. Nhóm cổ phiếu tài chính cũng bị ảnh hưởng mạnh. Phiên giảm điểm là quá bất ngờ, làm phá vỡ xu hướng tăng điểm duy trì trong thời gian trước đó.

Đại gia Việt sa cơ, những cú tung tin "đốt cháy" tỷ USD - 1

Mặc dù sau đó, cả Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an lẫn ngân hàng này đều khẳng định thông tin về ông Trần Bắc Hà chỉ là tin đồn thất thiệt, song, cú sốc đã đốt cháy tỷ USD và rất nhiều NĐT bị thiệt hại.

Đầu tháng 11, các cổ đông của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) chứng kiến cú lao dốc chưa từng có, vốn hóa doanh nghiệp bốc hơi 1,5 ngàn tỷ, bất chấp thị trường nóng hừng hực trong xu hướng đi lên.

Tin đồn HBC bị Khaisilk xù nợ ngàn tỷ khiến ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, lao đao. Ông Hải viết thì tâm thư, còn giám đốc đối ngoại Nguyễn Hữu Hiền vội ra thông báo khẳng định các tin đồn là thất thiệt.

Theo ông Hiền, 3 tin đồn này là: HBC bị Khaisilk xù nợ dự án đã thi công ở Quận 7 (TP.HCM), với số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý 3/2017 của HBC chỉ đạt 140 tỷ đồng; HBC không đòi được nợ của FLC Sầm Sơn, và quý 3/2017 phải trích lập dự phòng thêm 40 tỷ nên lợi nhuận sau thuế của quý sẽ rất thấp.

Vụ nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận quyết định kỷ luật về Đảng và mất chức cũng đã ảnh hưởng khá mạnh tới thị trường. Cổ phiếu Điện Quang lao dốc xuống mức giá thấp nhất trong vòng 3 năm. Nhà nguyên thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mất vài triệu USD.

Thị trường trong những phiên giao dịch tuần thứ 2 tháng 12 chứng kiến nhiều phiên giảm điểm mạnh, có phiên giảm gần 23 điểm sau khi đón những thông tin về việc khởi tố, bắt tạm giam một số nguyên lãnh đạo ngành dầu khí.


Ông Trần Bắc Hà.

Ông Trần Bắc Hà.

Trước đó, 2 cựu Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Sau đó, vào sáng 9/12, ông Đinh Mạnh Thắng, cựu Chủ tịch HĐQT của PVSD cũng bị bắt để điều tra hành vi tham ô tài sản.

Đề kháng trước thông tin nhạy cảm

Trước đó, đầu năm 2013, ông Trần Bắc Hà cũng đã một lần dính tin đồn bị bắt. TTCK cùng ngày đã giảm chung khoảng 4%, bốc hơi khoảng 1,6 tỷ USD trên cả 2 sàn Chứng khoán TP.HCM và Hà Nội.

Ở thời điểm đó, TTCK rối loạn. Các nhà đầu tư gọi điện khắp nơi hỏi thông tin và bán tháo cổ phiếu. Phần lớn các nhà đầu tư bán theo tâm lý đám đông, bán vì thấy thị trường giảm mạnh không hiểu chuyện gì sẽ đến.

Sự cố Bầu Kiên ( Nguyễn Đức Kiên ) hồi tháng 8/2012 đã TTCK chao đảo với 3 phiên giảm liên tiếp khiến thị trường bốc hơi 4 tỷ USD.

Trong vài năm gần đây, giới đầu tư đã từng chứng kiến hàng loạt cổ phiếu ngân hàng gặp nạn tin đồn gắn với quá trình tái cấu trúc của hệ thống này như trường hợp ông Lê Hùng Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Đặng Văn Thành, Trầm Bê, ông Trần Phương Bình, ông Hồ Hùng Anh,... Trừ trường hợp ông Trầm Bê và ông Trần Phương Bình, hầu hết các tin đồn sau đó được xác thực là không chính xác.

Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều ông chủ doanh nghiệp lớn như chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Chứng khoán Vndirect Phạm Minh Hương cũng dính tin đồn bị bắt,...

Mỗi lần tin đồn hoặc có vụ đại gia Việt sa cơ, TTCK lại giảm điểm mạnh. Năm 2017, TTCK cũng đã chứng kiến những vụ bốc hơi tỷ USD. Tuy nhiên, so với trước đây, các phiên giảm điểm không còn quá mạnh, thị trường chung rớt 4-5% như các năm trước cho dù quy mô thị trường đã tăng gấp nhiều lần, lên khoảng 130 tỷ USD như hiện tại.

Theo nhiều chuyên gia, TTCK vẫn khá nhạy cảm, nhất là với các tin đồn bắt giữ các nhân vật quan trọng hay các vụ việc đại gia bị bắt. Tuy nhiên, thị trường giờ đây đã có sức đề kháng tốt hơn, không còn rơi vào tình trạng tháo chạy, NĐT “bấm lệnh bán bằng mọi giá”.

Trước đó, TTCK từng chứng kiến những đợt bán tháo dài ngày của “cổ phiếu vua” ngân hàng sau những vụ như Bầu Kiên . Gần đây, những vụ việc tương tự hay những tin đồn không còn ảnh hưởng quá lớn tới các cổ phiếu lĩnh vực này.

Bầu Kiên
Bầu Kiên

Các cổ phiếu ngân hàng giờ đây đã hấp dẫn trở lại. Nhiều ngân hàng đã tái cấu trúc tương đối thành công và nợ xấu không còn quá lớn. Sự trở lại của nhóm “cổ phiếu vua” một thời và sức cầu lớn của các nhà đầu tư ngoại đã giúp thị trường ổn định hơn.

Thông tin bắt giữ một số nguyên lãnh đạo ngành dầu khí vừa qua cũng khiến thị trường phản ứng tiêu cực và rung lắc, nhưng các cổ phiếu này cũng đã nhanh chóng tăng trở lại nhờ dự báo tin về kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2017.

Trên thế giới, tại các thị trường phát triển, hiện tượng đầu tư theo tin đồn rất hiếm. Đây được xem là sự lợi dụng tâm lý bầy đàn trên thị trường. Hiện tượng này thường xảy ra ở những thị trường và nền kinh tế có sức đề kháng yếu và sự minh bạch về thông tin chưa tốt.

Gần đây, sự công khai và minh bạch đã được nâng lên khá nhiều. Các cơ quan quản lý thị trường đang tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin, bảo đảm khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính. Đây là cơ sở để cho những tin đồn thất thiệt không thể tồn tại.

Theo M. Hà
VietnamNet

Đại gia Việt sa cơ, những cú tung tin "đốt cháy" tỷ USD - 4