1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Đại gia" ứa nước mắt chở con bằng... xe máy

“Xe hơi bị ngân hàng phát mãi. Sáng ra, đưa con đi học bằng xe máy, nghe cháu hỏi xe hơi đâu ba mà tôi ứa nước mắt. Trường của cháu bạn nào cũng được cha mẹ đưa đi học bằng xe hơi…” - đó là lời tâm sự chua xót của một người từng là… đại gia.

Đợt khủng hoảng kinh tế lần này ví giống như lửa thử vàng đối với nhiều gia đình được gán cho chữ đại gia. Không ít đại gia trông hào nhoáng, đi xe hơi xịn ở nhà biệt thự, trong tay có mấy công ty đã ra đi vì…vỡ nợ.

Trời không chiều lòng người...

Gia đình chị Hương, ngụ tại quận 7, TP.HCM là một trong những trường hợp không qua khỏi đợt khủng hoảng kinh tế này.

Chị Hương kinh doanh bất động sản, lấy chồng người Hàn Quốc. Đến nay vợ chồng chị đã có 2 mặt con, đứa học lớp 4, đứa lên lớp 6.

Thời vàng son, vợ chồng chị Hương từng sở hữu trong tay cả 5, 6 căn chung cư cao cấp. Tuy nhiên, vì là dân nơi khác đến, vốn ít nên chủ yếu chị dùng “mỡ nó rán nó”, tức là vay ngân hàng tới 70% giá trị căn nhà rồi cho thuê để lấy tiền trả góp.

"Đại gia" ứa nước mắt chở con bằng... xe máy - 1

Trong những căn hộ, biệt thự cao cấp tại một khu đô thị vào loại bậc nhất Việt Nam này có mấy người trụ lại được qua cuộc khủng hoảng kinh tế? Ảnh: Thanh Huyền.

Nếu bài toán kia suôn sẻ sau 10 năm chị sẽ sở hữu hoàn toàn 5 căn hộ mà vốn bỏ ra rất ít.

Trời chẳng chiều lòng người, lãi suất ngân hàng cho vay bỗng tăng cao vùn vụt, tiền cho thuê không trả nổi tiền góp nhà. Vợ chồng chị Hương đành bỏ tiền túi ra gồng suốt năm qua. Trả góp tới 5 căn hộ, lại nuôi thêm 2 đứa con học trường quốc tế học phí mỗi tháng tốn trên 20 triệu đồng khiến người chồng Hàn Quốc cũng chịu không thấu.

Không có tiền trả ngân hàng, đứng trước nguy cơ bị phát mãi tài sản, chị Hương vội vàng kêu bán nhà nhằm thu được đồng nào hay đồng đó.

Nghịch lý thay bán nhà thời điểm này đâu dễ, bất động sản rớt giá thê thảm, căn chung cư mua lúc mới gần 5 tỷ đồng, giờ kêu 4 tỷ chẳng ma nào ngó. Chị Hương than thở: “Có bao nhiêu nhà tôi kêu bán hết, được căn nào hay căn đó để còn lấy tiền trang trải. Đến nước này lỗ mấy cũng phải bấm bụng bán chứ biết sao, còn hơn để cho ngân hàng phát mãi”.

Trường hợp như gia đình chị Hương không hiếm. Chúng tôi có hẹn với chị Kim, một đại gia nữa là nạn nhân của khủng hoảng kinh tế.

Tiếp chúng tôi trong một căn hộ ở khu chung cư Sky Garden, Phú Mỹ Hưng, quận 7, chị Kim thú thật: “Đây là nhà thuê thôi, nhà mình mới dọn về được 2 tháng. Căn hộ này khoảng hơn 80 mét vuông, mỗi tháng phải trả 600 USD”.

Quen chị Kim đã lâu, chúng tôi biết phải dọn ra ở thuê như vậy là một bước thụt lùi nặng nề đối với gia đình chị.

Nhà chị Kim từng sống trong một biệt thự tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng này. Thời cao điểm, căn nhà đó được định giá đến trên 20 tỷ đồng.

Vậy mà chỉ trong phút chốc làm ăn thua lỗ, vợ chồng chị đã phải bán rẻ ngôi nhà với giá phân nửa để trả nợ, phần còn lại gửi ngân hàng lấy lãi sinh sống.

Khi được hỏi có tính chuyện gây dựng lại việc làm ăn không, chị Kim cười buồn: “Vừa rồi phải bán nhà là một thất bại lớn, tuy nhiên cũng còn may chưa mất sạch.

Tạm thời mình chưa tính mạo hiểm làm gì trong thời điểm này cả. Còn ít vốn chắc cũng kiếm mua cái nhà nho nhỏ rồi gửi ngân hàng để đảm bảo cuộc sống cho các cháu”.

"Đại gia" ứa nước mắt chở con đi học bằng… xe máy

Hai trường hợp của chị Hương và chị Kim vẫn còn may chán. Tuy thất bại nhưng cùng lắm họ chỉ bán nhà trả nợ, số tiền còn dư để... chờ thời chứ chưa trắng tay. Vợ chồng anh Tuấn hiện đang sống tại Phú Mỹ Hưng, quận 7 không được may mắn như vậy.

Làm ăn thất bại, công ty phá sản, bán nhà ra ở thuê đã đành nhưng mọi chi phí trong gia đình anh nay chỉ còn trông vào mỗi khoản thu nhập giáo viên chưa tới chục triệu của vợ.

“Trước đây mỗi tháng gia đình tôi chi phí tới 50 triệu đồng. Riêng tiền học của hai đứa nhỏ ở trường quốc tế đã tốn hai mươi triệu, rồi tiền lương ô sin 3,5 triệu, tiền điện, nước tiêu xài, mua sắm, ngoại giao...” , anh Tuấn chia sẻ.

Từ ngày làm ăn thất bát, anh Tuấn đắng lòng chuyển con từ trường quốc tế về học trường công lập. Vợ anh, từ một mệnh phụ phu nhân, quần là áo lượt, tối ngày làm đẹp ở spa, đi đâu một bước cũng xe hơi đưa rước nay phải quần quật với công việc nội trợ (người giúp việc đã cho nghỉ để cắt giảm chi phí).

Điều làm anh Tuấn trăn trở hơn cả là việc học hành của hai đứa con. Hè này anh chuyển chúng vào học trường công lập. Đang học trường quốc tế quen rồi, cách đào tạo khác, môi trường khác, anh sợ vào trường công là cú sốc lớn về tinh thần đối với các con. Nhà anh chị cũng đã kêu bán, có lẽ xong xuôi sẽ dọn về ở nhờ bên nội.

Anh Tuấn chua xót nhớ lại lúc đem chiếc xe hơi đi gán nợ ngân hàng: “Sáng ra, tôi đưa con đi học bằng xe máy nghe cháu hỏi xe hơi đâu ba mà tôi ứa nước mắt.

Trường của cháu bạn nào cũng được cha mẹ đưa xe hơi đi học. Bà xã tôi động viên rằng sông có khúc, người có lúc, cả nhà cùng nhau chia sẻ vượt qua khó khăn”.

Gia đình chị Hương, chị Kim, anh Tuấn là một trong số những người thành đạt, giàu có nhưng không đủ sức trụ vững qua đợt khủng hoảng kinh tế sóng gió này. Người mất trắng, kẻ tổn thất nặng nề. Điều khó khăn nhất đối với họ là làm sao để các thành viên trong nhà có thể thích nghi với hoàn cảnh sống mới.

* Tên và địa chỉ nhân vật đã được thay đổi
Theo Thanh Huyền
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm