Đại gia Trung Quốc chi nghìn tỷ mua tranh Van Gogh

(Dân trí) - Một đại gia Trung Quốc vừa gây xôn xao khi bỏ ra 61,8 triệu USD, tương đương khoảng 1.322 tỷ đồng, để mua một bức tranh của danh họa Vincent Van Gogh tại một buổi đấu giá ở New York.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo tờ Wall Street Journal, đây được cho là mức giá cao nhất mà một nhà sưu tập nghệ thuật Trung Quốc từng trả khi mua các tác phẩm nghệ thuật phương Tây ở nước ngoài.

Vị đại gia trả mức giá “khủng” nói trên là ông Wang Zhongjun, nhà sáng lập công ty truyền thông Huayi Brothers Media niêm yết trên thị trường chứng khoán Thẩm Quyến. Công ty này có giá trị vốn hóa thị trường 4,7 tỷ USD và đã sản xuất nhiều bộ phim “bom tấn” như Tây Du Ký. Bản thân ông Wang là một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Theo tạp chí Forbes, khối tài sản ròng của ông lên tới 910 triệu USD.

Ông Wang đã tham gia cuộc đấu giá bức tranh Van Gogh tại nhà đấu giá Sotheby’s ở New York hôm 4/11 thông qua điện thoại.

Bức họa mang tên “Still Life, Vase with Daisies and Poppies” có mức giá khởi điểm là 55 triệu USD, cao hơn so với mức dự báo ban đầu trong khoảng 30-50 triệu USD. Đây là mức giá cao nhất cho một bức họa của Van Gogh được đấu giá kể từ năm 1998.

Đưa ra mức giá 61,8 triệu USD, đại gia Wang đã trở thành chủ nhân mới của bức họa trên.

Trong những năm gần đây, các đại gia Trung Quốc có “mốt” sưu tập các tác phẩm nghệ thuật phương Tây. Vào cuối năm ngoái, tập đoàn bất động sản thương mại lớn nhất Trung Quốc là Wanda Group đã chi 28,2 triệu USD để mua bức họa “Claude et Paloma” của Pablo Picasso tại một cuộc đấu giá của nhà bán đấu giá Christie’s ở New York.

Ngoài sở thích sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đắt giá, ông Wang còn thích tự mình vẽ các bức họa theo trường phái ấn tượng. Những bức họa do ông sáng tác đã được bạn bè mua với giá 400.000 Nhân dân tệ (65.400 USD) mỗi bức, và toàn bộ số tiền thu về đã được dành cho hoạt động từ thiện.

Phương Anh
Theo WSJ

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”