Đại gia nhóm Đông Âu “bốc hơi” cả chục nghìn tỷ đồng tài sản trong 1 ngày
(Dân trí) - Tình trạng bán mạnh đã khiến 500 mã cổ phiếu mất giá, trong đó, nhóm vốn hoá lớn như MSN của Masan, VIC của Vingroup cũng giảm sâu kéo theo giá trị tài sản các tỷ phú “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng.
Áp lực bán mạnh trong phiên giao dịch buổi chiều 16/11 tiếp tục đẩy chỉ số chính của hai sàn giảm mạnh.
VN-Index ghi nhận thiệt hại tới 15,5 điểm tương ứng 1,6% còn 950,79 điểm; HNX-Index giảm 1,38 điểm tương ứng 0,96% còn 143,36 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index vẫn giữ được trạng thái tăng 0,14 điểm tương ứng 0,22% lên 64,85 điểm.
Yếu tố tích cực là trong phiên này thanh khoản thị trường được đẩy lên rất cao. Khối lượng giao dịch trên HSX lên tới 518,93 triệu cổ phiếu tương ứng dòng tiền chảy vào thị trường bắt đáy đạt 10.230,53 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch là 58,06 triệu cổ phiếu tương ứng 833 tỷ đồng. Con số này trên UPCom là 17,12 triệu cổ phiếu tương ứng 269,24 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá với 488 mã giảm, 34 mã giảm sàn; tuy nhiên, phía tăng giá vẫn có 301 mã với 38 mã tăng trần.
Bên cạnh đó, thị trường còn chịu áp lực đáng kể do tình trạng giảm sâu diễn ra tại các mã cổ phiếu lớn. MSN giảm mạnh 6,9% xuống còn 83.900 đồng và chỉ còn cách giá sàn đúng 100 đồng mỗi cổ phiếu.
VIC giảm 5% còn 102.000 đồng; VHM giảm 2,2% còn 76.600 đồng; GAS giảm 1,4% còn 72.500 đồng; VCB giảm 1,3% còn 85.500 đồng; PLX giảm 1,3% còn 48.150 đồng; MWG giảm 1,3% còn 109.700 đồng; VRE giảm 1,3% còn 26.850 đồng; VNM cũng giảm 0,3%.
Theo đó, chỉ riêng VIC đã gây thiệt hại cho VN-Index tới hơn 5 điểm; thiệt hại do MSN gây ra là hơn 2 điểm; do VHM là 1,57 điểm.
Bên cạnh đó, diễn biến giảm này của cổ phiếu cũng khiến giá trị tài sản chứng khoán các đại gia chứng khoán bị sụt mạnh. Cụ thể, giá trị tài sản ông Phạm Nhật Vượng chỉ trong 1 ngày đầu tuần đã giảm mất 10.348,4 tỷ đồng; giá trị tài sản ông Hồ Hùng Anh giảm 1.533,3 tỷ đồng và giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang cũng “bốc hơi” 1.563,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt mất giá và ảnh hưởng kém tích cực. CTG giảm nhẹ 0,2%; VIB giảm 0,3%; BID giảm 1%; ACB giảm 1,1%; VCB giảm 1,3%; MBB giảm 1,3%; VPB giảm 1,4%; SHB giảm 1,7%; STB giảm 1,8%; LPB giảm 2,5%; HDB giảm 2,5%.
Cổ phiếu ngành thép gây bất ngờ với diễn biến tăng giá bất chấp xu hướng chung. Cụ thể, HPG tăng 300 đồng lên 32.300 đồng; HSG tăng 100 đồng lên 18.200 đồng; NKG tăng trần lên 10.700 đồng; POM tăng trần lên 7.000 đồng; VIC tăng 1.000 đồng lên 15.400 đồng; TLH, VGS, TNB, VCA cũng tăng giá tốt.
Trong phiên này, nhiều mã cổ phiếu được giao dịch rất mạnh. Đáng chú ý có FLC với khớp lệnh “khủng” lên tới 40,8 triệu đơn vị; HPG với 25,5 triệu đơn vị; TCB với 25,2 triệu đơn vị; MBB với trên 20 triệu và CTG với 15,8 triệu đơn vị.
Ở phương thức giao dịch thoả thuận, HAG được sang tay 15 triệu cổ phiếu còn KLB cũng được chuyển nhượng 9,7 triệu đơn vị.
Phiên giao dịch đầu tuần, khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại với khối lượng bán ròng ở mức 16,4 triệu cổ phiếu trên toàn thị trường, giá trị bán ròng 398 tỷ đồng.
Riêng tại sàn HSX, khối ngoại bán ròng trở lại 16 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 404 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng tập trung tại HDB (96 tỷ đồng); CTG (92,4 tỷ đồng); MSN 87,8 tỷ đồng), VHM, HPG, VIC, VPB… Ngược lại, VRE lại được mua ròng mạnh nhất với giá trị hơn 75 tỷ đồng, kế đến là MBB (36 tỷ đồng) và VNM (27 tỷ đồng).
Theo nhận xét của các chuyên gia phân tích tại VDSC, chuỗi tăng điểm của VN-Index đã tạm ngừng với áp lực chốt lời tại vùng đỉnh cũ 970 điểm. Áp lực chốt lời đang chiếm ưu thế vào cuối phiên giao dịch và có thể sẽ tiếp diễn vào phiên giao dịch tiếp theo.
Tuy nhiên, VDSC nhận thấy động thái dòng tiền vẫn đang hấp thụ và đặc biệt có thể sẽ gia tăng mức hỗ trợ khi VN-Index lùi về vùng 943 điểm. Ngoài ra cũng cần lưu ý diễn biến trong phiên hôm qua đang cảnh báo rủi ro mà thị trường phải đối diện trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư tạm thời nên quan sát thị trường và chờ thêm tín hiệu.
Trong khi đó, chuyên gia MBS cho rằng, thanh khoản tăng trong khi mặt bằng cổ phiếu giảm là biểu hiện của việc chốt lời ở nhóm cổ phiếu bluechip tăng tốt trong thời gian vừa qua và cả hoạt động cắt lỗ ở các mã không tăng và chưa tăng theo thị trường.
Dòng tiền phiên này chốt lời ở nhóm bluechip cũng không dịch chuyển sang nhóm midcap hoặc smallcap cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng chờ và kỳ vọng có thể mua lại ở giá tốt hơn, thị trường phái sinh cũng cho thấy điều này với lực short mạnh cuối phiên.
“Thị trường đang cho thấy một phản ứng khá thận trọng khi nhà đầu tư chọn giải pháp chốt lời, thay vì lao vào mua. Đây cũng là giai đoạn thị trường cũng đang cạn dần thông tin hỗ trợ, do vậy nhà đầu tư có thể chốt lời trong khi chưa vội mở vị thế mua mới” - chuyên gia MBS lưu ý.