Đại gia ngoại rút êm ngàn tỷ khỏi Việt Nam
TTCK vẫn được cả khối nội và ngoại đánh giá còn nhiều tiềm năng tăng điểm, nhưng cũng không ít các đại gia ngoại âm thầm rút bớt vốn ở những thời điểm sôi động nhất.
Bán "gà đẻ trứng vàng"
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Chính phủ "thúc" sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về điều hành xăng dầu |
Ngày 6/12, hai tổ chức đầu tư thuộc Dragon Capital (DC) là Vietnam Enterprise Investment Ltd (quỹ VEIL) và Amersham Industries Ltd (thuộc quỹ Vietnam Growth Fund) cùng bất ngờ ra thông báo bán cổ phiếu Vinamilk (VNM), với lượng đăng ký tương ứng 8,8 triệu và 4,6 triệu đơn vị.
Giao dịch chưa được thực hiện nhưng nhiều NĐT tin rằng thương vụ này sẽ diễn ra đúng như tuyên bố (dự kiến từ 11/12/2013 đến 9/1/2014, theo phương thức thỏa thuận) bởi Dragon Capital là một trong những NĐT tổ chức đã có tiếng tăm trên TTCK Việt Nam, làm gì cũng có kế hoạch. Hơn thế, thông thường những hành động đại loại như "tuyên bố bán nhưng không bán, hay ngược lại" ít khi gặp ở các NĐT tổ chức nước ngoài.
Thông báo của hai tổ chức của DC nói trên khá bất ngờ bởi TTCK đang khá phấn khích với sự tăng giá của đa số các cổ phiếu, mà trụ cột cho thị trường chính là những mã blue-chips như Vinamilk, Masan, FPT, REE, SSI...
Sự sôi động của TTCK được giải thích có nhiều lý do như: kinh tế đã bớt khó; DN hoạt động tốt hơn, chịu ít chi phí hơn; giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp; dòng tiền đầu tư không tìm kiếm được các kênh hấp dẫn; nguồn tiền từ kiều hối chảy về lớn... Và cũng quan trọng không kém là tin Chính phủ đang cân nhắc nới room cho khối ngoại lên tới 60% số cổ phiếu có quyền biểu quyết ở một số công ty niêm yết (so với mức 49% như hiện tại). Hàng loạt các phân tích, nhận định của các tổ chức đầu tư nước ngoài đều cho rằng, chứng khoán Việt Nam hấp dẫn, cơ hội lớn, sẽ còn tăng tiếp.
Bên cạnh đó, sự bất ngờ còn ở chỗ Vinamilk vẫn được coi là một cổ phiếu "gà đẻ trứng vàng" cho bất cứ NĐT nào, từ tổ chức cho tới cá nhân, ngoại hay nội. Trong đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa được công bố gần đây, siêu tổng công ty này cho biết sẽ thoái vốn ở rất nhiều DN nhưng sẽ nắm giữ và đầu tư dài hạn tại 4 DN, trong đó có "bò sữa" Vinamilk.
Trước đó, hồi đầu tháng 9/2013, giới đầu tư cũng đã bất ngờ khi mà cổ đông lớn nhất của Tập đoàn FPT là Orchid Fund của Singapore quyết định bán ra hơn 29 triệu cổ phần (tương đương hơn 10% vốn điều lệ FPT), trị giá hơn 1.300 tỷ đồng sau chưa đầy hai năm rót vốn. Lý do cũng như người mua lại cổ phần từ Orchid không được công bố.
Thu lời lớn
Gần đây, cuối tháng 11/2013, một đại gia ngân hàng của Singapore là OCBC cũng thông báo đã bán toàn bộ 14,88% cổ phần, tương đương 85,83 triệu cổ phần tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho một nhóm 3 NĐT cá nhân người Việt, với tổng trị giá 55,5 triệu USD, tương đương gần 1.200 tỷ đồng.
Trước đó, hồi đầu năm nay và cuối năm ngoái, giới đầu tư đã chứng kiến vụ Mekong Capital bán 6,7% tại Thế giới Di động - chuỗi bán lẻ điện thoại di động hàng đầu tại Việt Nam, cho một công ty đầu tư tài chính; Vietnam Debt Fund SPC (Cayman Island) thoái toàn bộ cổ phần gần 1,1 triệu cổ phiếu REE (0,45% vốn điều lệ); HSBC thoái vốn khỏi Bảo Việt; Bourbon kế hoạch thoái vốn toàn bộ gần 100% cổ phần tại Bourbon Bến Lức; VinaCapital rao bán 50% cổ phần khách sạn Metropole Hà Nội...
Trên thực tế, việc các tổ chức đầu tư vốn ngoại thoái vốn ở các DN trong nước ngay chính thời điểm TTCK đang sôi động có lẽ cũng là điều bình thường. Một lý do đơn giản có thể là các tổ chức này đã đạt được kỳ vọng về lợi nhuận và việc thoái vốn vào những lúc thị trường lên thường dễ dàng.
Với Dragon Capital, việc thoái vốn khỏi Vinamilk mới chỉ là kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều người đã nhìn thấy khoản lời khá rõ ràng nếu ông lớn này thoái vốn trong thời điểm hiện tại. Với mức giá VNM tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm, cho dù DC bán tới hơn 13 triệu cổ phần VNM thì vốn hóa của số cổ phần còn lại của DC tại DN sữa này vẫn còn gần như nguyên vẹn, bằng hồi cuối năm trước.
Thương vụ OCBC thoái vốn tại VPBank cũng giúp đại gia đến từ Singapore thu về một khoản lợi nhuận tương đối, với tỷ suất sinh lời khoảng 35% trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp khó, hệ thống ngân hàng gặp rủi ro nợ xấu tăng vọt và phải tái cấu trúc.
Orchid Fund của Singapore không công bố vốn đầu tư vào FPT nhưng vụ thoái toàn bộ hơn 10% vốn tại DN phần mềm công nghệ này cũng được đánh giá là một vụ đầu tư thành công lớn bởi giá cổ phiếu FPT thời điểm Orchid mua vào hối cuối 2011 đầu 2012 khá thấp.
Thương vụ bán 6,7% tại Thế giới Di động (giảm từ 32,5% xuống còn 25,8%) cũng giúp Mekong Capital thu lời gấp 11 lần vốn ban đầu.
Có thể thấy, trong thời gian gần đây, vấn đề vốn ngoại đang được quan tâm khá nhiều trên TTCK. Nhiều dự báo cho thấy dòng vốn đang dịch chuyển từ các thị trường khác sang Việt Nam, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc nới "room" cho khối ngoại.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF 2013, một số nhà phân tích cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn nhỏ với quy mô chỉ khoảng 40 tỷ USD, chưa phải là thị trường mới nổi và số lượng tiền chảy vào đây vấn rất nhỏ bé.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Việt Nam mới thu hút được khoảng 300 triệu đô la Mỹ trên TTCK, tương đương với cả năm ngoái, thấp hơn nhiều so với con số hàng chục tỷ USD ở một số thị trường lớn trong khu vực.
Hiện tại, khá nhiều DN niêm yết lớn trên TTCK đã hết room. Khả năng mở room được đánh giá sẽ kéo một lượng lớn các NĐT tổ chức nước ngoài vào. Đây có lẽ là cơ hội để một số NĐT ngoại vốn vào Việt Nam từ rất sớm thoái bớt vốn, chốt lời các khoản đầu tư vài năm trước đây.
Và đây có thể cũng là cơ hội để một số NĐT rũ bỏ một số các khoản đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả giống như các trường hợp: Intereffekt Investment Fund N.V bỏ quyền làm cổ đông lớn của Hanoimilk (HNM); BI Private Equity New Market II K/S và Deutsche Bank với thương vụ đầu tư vào Dược Viễn Đông; Vinacapital tại Tập đoàn Thái Hòa (THV); Morgan Stanley tại PVFC, Deustche Bank Aktiengesellschaf (DB) đầu tư vào Habubank...
Theo Huấn Tú