“Đại gia” ngân hàng thao túng thị trường thế nào?

(Dân trí) - Gặp mặt các chính trị gia tại London, CEO Goldman Sachs Lloyd Blankfein chẳng buồn quan tâm tới những cảnh báo rằng ngân hàng sẽ bị đánh thuế nặng nếu cứ phớt lờ cơn giận dữ của công chúng trước số tiền thưởng lên tới hàng tỷ USD.

“Đại gia” ngân hàng thao túng thị trường thế nào? - 1
(ảnh minh họa).
 
Vị CEO quyền uy nghĩ chính phủ sẽ chẳng dám đâu… Nhận định sai lầm đó cho thấy với tất cả những gì đã xảy ra, giới ngân hàng vẫn ngạo mạn đến chừng nào, họ tự tách mình khỏi cả xã hội.

Nhưng nó cũng giúp giải thích vì sao Goldman lại phản ứng như vậy trước quyết định của Chính phủ Anh đánh thuế 50% vào thu nhập năm nay.

Theo lời một người trong cuộc, các quan chức Goldman gần như nổi điên. Họ đe dọa thu hẹp hoạt động tại London. Chính phủ Gordon Brown có thể đã chùn bước dù chỉ trong một khoảnh khắc nhưng cuối cùng những nỗ lực vận động hành lang của Goldman vẫn thất bại.

Đương nhiên, Anh Quốc không đơn độc. Pháp đã có sắc thuế đánh vào tiền thưởng của riêng mình. Chính quyền Barrack Obama vừa thông báo về một sắc thuế mới sẽ thu về khoảng 90 tỷ USD trong 10 năm tới.

Chính phủ trung hữu Thụy Điển còn đi xa hơn khi cho ra đời loại “thuế ổn định” cố định để ngăn hành vi chấp nhận rủi ro quá đáng. Giới chính trị đã quay lưng lại với những ông trùm tài chính tới mức mà ngay cả George Osborne, Thủ tướng Chính phủ “bóng” của Đảng Bảo thủ, cũng hoan nghênh kế hoạch của người Thụy Điển.

“Ngân hàng chi thưởng mạnh tay thay vì dùng số tiền ấy để củng cố năng lực tài chính trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai là điều “không thể chấp nhận được”, ông Osborne phát biểu.

Có thể đã có nhiều điều thật đáng khích lệ nhưng mọi chuyện chưa thể kết thúc ở đây. Ông Blankfein có thể phải ăn trái đắng vì loại thuế đánh một lần vào tiền thưởng này sẽ khiến mọi thứ chuyển từ trung sang dài hạn.

Nhưng nếu buộc giới ngân hàng củng cố bảng cân đối tài sản bằng số tiền lẻ ra đã rơi vào túi họ thì chỉ mới giải quyết được một phần vấn đề. Bước tiếp theo phải rà soát lại toàn hệ thống xem khuyết tật nào đã giúp các tổ chức tài chính thu lời lớn đến vậy.

Nói rộng ra là, những tổ chức hàng đầu trong ba nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư - ngân hàng bán buôn, bảo lãnh phát hành, mua bán và sáp nhập - đang hoạt động như những thể chế độc quyền tự nhiên.

Lợi nhuận của họ phần nào phản ánh việc thiếu một cơ chế cạnh tranh quyết liệt. Với mỗi ngành kinh doanh lại có những nguyên do khác nhau, một số được các nhà kinh tế học gọi là bất cân xứng, số khác lại gọi là thống trị thị trường.

Nhưng chừng nào còn chưa được nhận diện, ngân hàng sẽ thu lợi nhuận hay chính xác hơn là bòn rút tiền tô, với con số lớn hơn nhiều so với những gì họ đã đóng góp cho toàn nền kinh tế. Khi mọi chuyện vẫn tốt đẹp ít ai lo ngại những kẻ độc quyền.

Thị trường đang bùng nổ nên ngân hàng đầu tư có thể thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách rằng họ đang có đóng góp “ròng” để thúc đẩy nền kinh tế, tức là đóng góp của họ lớn hơn những gì họ nhận được.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde gần đây đã gửi cho chính phủ và các cơ quan điều tiết một nghiên cứu chi tiết hơn. Nhưng nhiều nhà hoạch định chính sách hiện vẫn né tránh chủ đề này.

Kể cả khi ngân hàng có  bị buộc phải chấp nhận rủi ro ít hơn, họ sẽ vẫn tiếp tục thu lời quá đáng. Vấn đề nằm ở cạnh tranh thay vì luật lệ. Một giải pháp tiềm năng là các cơ quan quản lý cạnh tranh hạ thấp rào cản gia nhập thị trường.

Minh Tuấn