"Đại gia" mỹ phẩm tiết lộ độc chiêu "lừa phỉnh" chị em
(Dân trí) - Mặc dù biết rõ khách hàng không nhất thiết phải dùng sản phẩm của mình nhưng bằng những chiêu tiếp thị dồn dập đánh vào tâm lý, “đại gia” ngành mỹ phẩm Reckitt Benckiser Group đã thuyết phục được rất nhiều chị em móc hầu bao.
Năm 2005 khi Reckitt Benckiser Group lần đầu chào bán sản phẩm kem tẩy lông Veet tại thị trường Trung Quốc, doanh số của họ thật ảm đạm. Khi ấy giá sản phẩm được xem là quá cao trong khi kích thước sản phẩm quá lớn. Nhưng vấn đề lớn nhất đó là: hầu hết phụ nữ Trung Quốc không có nhiều lông chân, tay đến mức phải dùng kem tẩy. Và những ai thực sự có thì cũng chẳng quan tâm đến nó.
Chăm sóc sắc đẹp đang là ngành “hái” ra tiền
Nhưng Reckitt Benckiser đã tung ra một kế hoạch quảng cáo mới gắn một làn da sạch lông với sức khỏe, sự tự tin và “hào quang tỏa sáng”. Trong quá trình đó, họ đã khiến phụ nữ Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn tới từng lỗ chân lông.
“Việc bạn có bao nhiêu lông không quan trọng bằng việc bạn nghĩ tới nó nhiều đến mức nào”, Aditya Sehgal, trưởng đại diện Reckitt Benckiser tại Trung Quốc nói. “Nếu mức lo lắng đủ cao thì ngay cả 1 cọng lông cũng là quá nhiều”.
Chính bằng cách khiến cho khách hàng bị ám ảnh về những lỗ chân lông, hiện Veet đã là nhãn hàng tăng trưởng nhanh nhất tại thị trường Trung Quốc của hãng mỹ phẩm Anh quốc. Theo số liệu của tạp chí Euromonitor International, doanh số của các sản phẩm tẩy lông tại châu Á đang tăng khoảng 20% mỗi năm, gần gấp đôi tốc độ tăng của các sản phẩm dao cạo dành cho phụ nữ.
Đây là chiêu thức không chỉ Reckitt Benckiser mà nhiều “đại gia” mỹ phẩm khác cũng đang sử dụng trong ngành chăm sóc sức khỏe cá nhân với quy mô toàn cầu lên tới 427 tỷ USD. Các nhà sản xuất luôn khiến chị em phụ nữ chú ý tới những điểm bị xem là khiếm khuyết trên cơ thể. Estée Lauder và L’Oréal cũng bán các sản phẩm làm trắng da tại Trung Quốc, nơi mà phụ nữ thường khao khát làn da trắng sáng.
Sehgal cho biết công ty của ông không “đến đây để nhắc người Trung Quốc họ có nhiều lông đến mức nào. Công việc của chúng tôi là nói với họ rằng làn da đẹp, nhẵn mịn là cực kỳ quan trọng. Phụ nữ sẽ tự rút ra kết luận cho mình và quyết định làm gì tiếp theo”. Với những khách hàng như Maggie Li, rõ ràng thông điệp đó đã trúng đích. Cô chuyên viên PR 29 tuổi tại Bắc Kinh này được tặng một sản phẩm mẫu của Veet hồi mùa Hè và kể từ đó liên tục mua và sử dụng.
Li chia sẻ cô dành khoảng 400 nhân dân tệ (63 USD) mỗi tháng cho các sản phẩm như kem dưỡng da SK-II của P&G. Một lọ Veet 60g với giá 46 nhân dân tệ đủ để giữ đôi chân cô nhẵn nhụi khoảng 2 tháng. Theo Li, cách marketing của Veet “khiến phụ nữ Trung Quốc quan tâm hơn đến vấn đề lông trên cơ thể”.
Để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, từ năm 2008 Reckitt Benckiser đã thiết kế lại bao bì cũng như tung ra các chiến dịch định vị thương hiệu với ám chỉ: đây là sản phẩm dành cho “những phụ nữ xem việc trang điểm là một phần của sự thăng tiến, được hưởng lương cao và tìm được chồng ưng ý”, Paul French, nhà phân tích của Mintel tại Trung Quốc cho biết.
Ngày nay khoảng 25 nhãn hàng khác nhau của Veet được bán tại hơn 130 thành phố của Trung Quốc bao gồm cả các loại có nước hoa để át đi thứ mùi không mấy dễ chịu của kem tẩy lông. Trên website bán hàng bằng tiếng Trung Quốc, đập vào mắt người xem là dòng chữ “Chúng tôi đã từng bị như vậy, khi đột nhiên nhận ra rằng mình chưa sẵn sàng cho mọi thứ”.
Tại một vị trí khác, khách hàng thêm một lần phải lo lắng khi đọc được thông điệp: “Nếu bạn có một cặp chân đầy lông, những vết đen lộ ra khi mặc bikini và bạn ngượng không biết giấu mặt vào đâu trước cả văn phòng thì đó chính là lúc bạn cần đến Veet”.
Chiến thuật marketing tại Trung Quốc của Veet “rất giống với chuyện trái táo trong Kinh thánh”, Benjamin Voyer nhà tâm lý xã hội kiêm phó giáo sư marketing tại trường kinh doanh ESCP Europe nói. “Nó khiến người ta nhận ra điều gì đó và sau đó cảm thấy ngượng ngùng và có nhu cầu mua hàng”.
Thanh Tùng
Theo Bussinesweek