Đại gia hết tiền, lạnh mặt rũ bỏ “cháu con”

Trước đây, các DN lớn, các tập đoàn, tổng công ty đua nhau thành lập hàng loạt các công ty con - cháu. Nhưng khi kinh tế khó khăn, đại gia cạn tiền, hết hơi không lo nổi cho đàn con cháu quá đông đành phải rũ bỏ.

Hàng loạt DN lớn đang bán cổ phiếu rút khỏi DN còn, sáp nhập, thậm chí phá sản hàng loạt DN trong hệ thống của mình.  

 

Đồng loạt gạch tên

 

Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) vừa giải thể thêm một công ty con là Sông Đà DIC. Sông Đà DIC được thành lập là để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ đoạn Hà Nội - Thái Nguyên.

 

Tuy nhiên, Chính phủ đã chấp thuận cho Tập đoàn Sông Đà không thực hiện dự án này, giao cho tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội thực hiện dự án. Do đó, Sông Đà DIC không còn dự án để hoạt động. Ngoài ra, Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong thời hạn 6 tháng liên tục.

 

Có lý do khách quan, nhưng xu hướng co gọn hoạt động đã được giới đầu tư nhận thấy khá rõ nét ở đơn vị này. Gần đây, nhằm thực hiện chủ trương tái cấu trúc Tổng công ty, DIG cũng đã giải thể công ty con là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DIC (DIC T&S). Trước đó là hoàn tất việc thoái vốn tại công ty liên kết CTCP Đầu tư phát triển xây dựng Phước An.

 

Đại gia hết tiền, lạnh mặt rũ bỏ “cháu con”
 

Tập đoàn Vinashin, trong một quyết định mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt danh sách hơn 100 DN Vinashin đề xuất rút vốn thương hiệu. Động thái được đánh giá sẽ giúp cởi "chiếc áo Vinashin" cho rất nhiều DN thuộc các lĩnh vực thương mại, chế biến nông - thủy sản, thực phẩm...

 

Hiện tại Vinashin có khoảng 200 DN, trong đó khoảng 70% vốn nhà nước, số còn lại chỉ là cổ phần hoặc có liên quan về thương hiệu và sẽ nhanh chóng được xử lý. Số còn lại sẽ được tái cơ cấu và không hiệu quả thì cho giải thể hoặc phá sản.

 

Tập đoàn Sông Đà, cũng đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất. Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty Cổ phần Sông Đà 1 (SD1) đã công bố việc sáp nhập Công ty cổ phần Sông Đà 1.03 vào SD1.

 

Theo đó, SD1 mua lại cổ phần của các cổ đông thiểu số (cổ đông thể nhân) tại Sông Đà 1.03 Hà Nội để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại đây từ 80,13% lên 100% với giá mua không quá 5.000 đồng/cp. Sau đó, Sông Đà 1.03 sẽ được sáp nhập vào SD1, chấm dứt sự tồn tại của Sông Đà 1.03.

 

SD6 cũng đã tính chuyện sáp nhập Sông Đà-Hoàng Long vào SD6; trong khi đó S91 bất ngờ xin ý kiến cổ đông sáp nhập vào "mẹ" SD9; còn Công ty Cổ phần Sông Đà 11 Thăng Long (SEL) cũng đã hủy niêm yết (hôm 30/9) và chốt xong tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu (1:0,9) để sáp nhập vào Công ty Cổ phần Sông Đà 11 (SJE)...

 

Nhiều DN khác cũng đang thực hiện quá trình "hợp nhất", xóa sổ các công ty con cháu như: HMH (sáp nhập 2 công ty con); NLC và RHC sáp nhập vào SJD; MEC chấp nhận để Someco Hòa Bình sáp nhập vào sau một thời gian tách ra từ chi nhánh của MEC... Bên cạnh đó, hiện tượng thoái vốn cũng đang diễn ra mạnh mẽ nhằm tập trung hoạt động vào lĩnh vực chính.

 

Bớt quy mô, tăng hiệu quả

 

Trào lưu xóa sổ các DN con cháu đang diễn ra mạnh mẽ, nổi bật ở Vinashin, Sông Đà và nhiều các DN lớn khác có tên gắn với các từ "tổng công ty", "tập đoàn" đang cho thấy, sự phát triển ồ ạt về số lượng, về quy mô của các "ông lớn" trong nhiều năm trước đây dường như không hiệu quả như mong muốn.

 

Trong trường hợp Vinashin, việc rút vốn thương hiệu cũng như thoái vốn ở nhiều công ty con được xem như một sự giải thoát. Rũ bỏ được chiếc áo Vinashin, DN có thể hoạt động sản xuất kinh doanh độc lập.

 

Trong thời kỳ "kinh tế thịnh vượng", với cái áo đa ngành, các ông lớn có thể tham gia vào bất cứ lĩnh vực nào, đôi khi hoàn toàn không liên quan tới ngành nghề sản xuất chính. Một ngân hàng có thể vừa thực hiện chức năng huy đông-cho vay vừa kiêm luôn "nghề" đầu tư, vận hành hàng loạt các DN trong nhiều lĩnh vực. Một đại gia trong ngành vận tải có thể đi sản xuất xà phòng, xe máy, thậm chí buôn cả nông, thủy sản, thực phẩm... Một đội xây dựng nhỏ có thể trở thành một DN lên niêm yết trên sàn chứng khoán và phát hành cổ phiếu rầm rộ...

 

Sự phát triển về mặt số lượng DN là một thành tích. Sau khi mở cửa TTCK, sự gia tăng mạnh mẽ số lượng mã cổ phiếu trên sàn, lên tới 600 - 700 mã cũng là một thành công. Và khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao thì sự phát triển của các DN lớn thành các tập đoàn, tổng công ty...là lẽ tự nhiên.

 

Sự thật là vậy nhưng sự phát triển và mở rộng của các DN, đặc biệt là các DN lớn có khả tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng nhiều khi quá dễ dãi, mang tính phong trào, không cần cân đo đong đếm nhiều đến hiệu quả.

 

Cách đây vài năm, mỗi khi nghe đến tên các DN trong "họ" Sông Đà, Vinaconex, hay Dầu khí đã thấy nổi như cồn. Cổ phiếu của các dòng họ này từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường, tăng như vũ bão, mang lại lợi nhuận cho không biết bao nhiêu NĐT.

 

Giờ đây, nói đến các nhóm này, không ít người bùi ngùi về những thất bại, những tin buồn dồn dập đến như: thua lỗ, cổ phiếu giảm giá... hoặc/và gần đây là "tái cấu trúc", "sáp nhập", "hủy niêm yết", "xóa tên"... như các trường hợp SHC, SDJ, VCH, SCC, S27, SD8, PVX, PVA, SJS...

 

Để giải quyết tình trạng đàn con lao đao gặp "sao quả tạ", đứng trên bờ vực thẳm, nhiều ông lớn đã quyết định sáp nhập vào "mẹ" để giảm chi phí hoặc cho phá sản... Đây là những quyết định bất đắc dĩ bởi nó đi ngược với mong muốn mở rộng trước đây của DN. Tuy nhiên, đó lại là điều không thể không làm nếu muốn phát triển bền vững trong lĩnh vực chuyên sâu của mình.

 

Theo Mạnh Hà

VEF