1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại gia Gia Lai thoát nạn; "họ" Vingroup không gánh nổi thị trường

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi VN-Index quay đầu giảm bất chấp sức nóng từ nhóm Vingroup thì DLG của Đức Long Gia Lai có phiên tăng trần thứ 2 sau khi tòa án thông báo không mở thủ tục phá sản.

Việc thị trường tăng điểm ngay đầu phiên sáng nay (7/8) đã trở thành yếu tố cản trở dòng tiền nhập cuộc. Nhà đầu tư thể hiện thái độ thận trọng, không dám mạnh dạn giải ngân trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều rủi ro, chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

Sự hưng phấn tại nhóm cổ phiếu "họ Vin" chưa đủ sức lan tỏa và "cân" được thị trường dù có đóng góp tích cực cho VN-Index. HoSE có tới 275 mã giảm giá, gấp đôi số mã tăng, trong đó, VN30 có đến 22 mã giảm và 6 mã tăng.

VN-Index tạm thời đánh mất 2,98 điểm tương ứng 0,25% còn 1.207,3 điểm; VN30-Index giảm 5,58 điểm tương ứng 0,45%; HNX-Index giảm 1,05 điểm tương ứng 0,46% và UPCoM-Index giảm 0,52 điểm tương ứng 0,57%.

Thanh khoản thấp. Toàn sàn HoSE trong suốt phiên sáng chỉ có 323,89 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 6.942,24 tỷ đồng; HNX có 17,89 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 316,78 tỷ đồng và các con số này trên UPCoM là 11,37 triệu cổ phiếu tương ứng 149,51 tỷ đồng.

Đại gia Gia Lai thoát nạn; họ Vingroup không gánh nổi thị trường - 1

Diễn biến VN-Index trong 1 tháng qua (Nguồn: Tradingview).

Tâm điểm của thị trường vẫn là nhóm Vingroup. VHM kịp lấy lại mức giá trần với khớp lệnh "khủng" đạt 29,2 triệu đơn vị. VRE tăng 5,9% với khớp lệnh 16,5 triệu cổ phiếu và VIC tăng 2,5%, khớp lệnh đạt 4 triệu đơn vị.

Một số mã khác như HRC, VRC, HNG, DLG, AGM và TDH cũng tăng trần trên HoSE, nhưng các mã này đều có vốn hóa nhỏ và không ảnh hưởng đáng kể lên VN-Index.

Cổ phiếu DLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp sau khi doanh nghiệp công bố thông tin: Ngày 6/8, công ty này nhận được quyết định từ Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai không mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai và yêu cầu Công ty cổ phần Lilama 45.3 phải chịu tiền lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật.

Trong quyết định nói trên, TAND tỉnh Gia Lai  cho hay, tổng cộng đến nay Đức Long Gia Lai đã trả cho Lilama 45.3 số tiền 6 tỷ đồng, còn nợ 11,48 tỷ đồng và cam kết tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo lộ trình cụ thể.

Cơ quan tòa án đánh giá, Đức Long Gia Lai là công ty hoạt động đa ngành nghề, có nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bình thường và có nhiều công nhân lao động.

Theo báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp 2021, 2022, 2023 và 6 tháng 2024, kết quả kinh doanh của công ty có lợi nhuận. Như vậy, phía tòa án nhận định, Đức Long Gia Lai không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán, do đó không chấp nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty cổ phần Lilama 45.3 đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Đại gia Gia Lai thoát nạn; họ Vingroup không gánh nổi thị trường - 2

Top cổ phiếu ảnh hưởng tới VN-Index (Nguồn: DNSE).

Trở lại với thị trường chứng khoán sáng nay, ngoài "họ" Vin thì cổ phiếu ngành bất động sản còn chứng kiến sự hồi phục tại một số mã khác như PTL, LDG, QCG, HQC, NBB, SGR, CRE. Chiều ngược lại, AGG giảm 5,3%; NTL giảm 3,1%; PDR giảm 2,3%; BCM giảm 2,1%; TCH giảm 1,4%.

Hầu hết "cổ phiếu vua" điều chỉnh. Tình trạng giảm giá của cổ phiếu ngành ngân hàng khiến VN-Index thiếu động lực đi lên. NAB giảm 2,4%; TCB giảm 2%; HDB giảm 1,6%; VPB giảm 1,6%; CTG giảm 1,5%; BID giảm 1,4%.

Cổ phiếu dịch vụ tài chính đồng loạt nhuốm đỏ bảng giá, tuy vậy, chưa có mã nào giảm sàn. Một số mã có mức giảm khá mạnh là CTS với mức giảm 3,1%; VDS giảm 2,8%; ORS giảm 2%; FTS giảm 1,9%; AGR giảm 1,8%...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm