Đại gia chi bạo săn đào cổ thụ Sa Pa

(Dân trí) - Mấy tuần nay một số đại gia từ các thành phố Hà Nội, Hải Phòng,Hạ Long, Vĩnh Yên cho người lên tận nơi hoặc gọi điện thoại tới vùng núi Sa Pa ( tỉnh Lào Cai) săn tìm mua đào phai cổ thụ chơi tết.

Anh Đào Trọng Hải là một trong những người kinh doanh đào tết chuyên nghiệp lâu năm ở khu vực cầu 32 thị trấn Sa Pa cho PV biết thông tin trên.
 
Một gốc đào cổ thụ đẹp có thể có giá hàng nghìn USD
Một gốc đào cổ thụ đẹp có thể có giá hàng nghìn USD

 

Đồng thời anh cũng cho PV biết thêm rất nhiều bạn hàng từ miền xuôi suốt ngày gọi điện thoại lên hỏi thị trường hoa đào tết Tây Bắc và Sa Pa, có người chuyển tiền ứng trước lấy đào sau nhưng anh Hải không dám nhận vì chưa tìm mua được đào cổ thụ.
 

Dự báo giá hoa đào Sa Pa năm nay rất đắt do sốt hàng , khả năng những cành đẹp năm trước có giá từ 5 - 10  triệu đồng nay sẽ tăng lên gấp 2- 3 lần vì thị trường hoa địa lan Sa Pa tăng nên đào sẽ tăng theo...

 

Chợ đào tết Sa Pa năm nay họp muộn hơn mọi năm do đào phai cổ thụ càng ngày càng khan hiếm vì các năm trước người dân hám lời chặt bán cả gốc không thương tiếc, trong số đó có rất nhiều cây đào tơ hoặc đào cổ thụ.
 
Đào Sa Pa được giới giàu Hà Nội thích thú
Đào Sa Pa được giới giàu Hà Nội thích thú

 

Sót nhất là vì không hiểu biết kỹ thuật nên nhiều nhà dân chặt hết cả vườn đào không có hoa mang ra chợ bán, bán ế vứt lại cho người ta làm củi đun. Trong khi đó trồng đào phải 3 - 5 năm mới có hoa và 15 - 20 năm cây đào mới cho dáng đẹp...

 

Hai năm trước UBND huyện Sa Pa và sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai vận động nhân dân vùng cao Sa Pa trồng nhiều hoa đào lấy quả và lấy cành bán tết nhưng vì thời gian trồng lâu cho hoa và lợi nhuận từ tiền bán quả đào thấp nên chưa hấp dẫn người dân trồng đào.

 

Một số vườn đào cổ thụ ở khu vực Ô Quý Hồ ( thị trấn sa Pa) do mở rộng diện tích trồng hoa hồng, rau đặc sản su su nên không còn, còn đưa cây đào vào trồng làm cây cảnh quan dọc đường lên khu du lịch Sa Pa không khả thi vì không thể bảo quản được. Do đó những năm tới vùng núi Sa Pa sẽ không còn đào cổ thụ đưa ra thị trường theo yêu cầu của người tiêu dùng.

 

Phạm Ngọc Triển